Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Đồng bào Gia Rai phát huy nghề đan lát truyền thống

Ngọc Thu - 14:27, 28/03/2022

Dân tộc Gia Rai là một trong những cư dân sớm có mặt trên vùng đất Tây Nguyên. Người Gia Rai có nhiều nghề truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng như thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, hay như nghề đan lát truyền thống, tạo ra các sản phẩm sắc sảo, bền chắc như gùi, nia…, rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.

Các nghệ nhân đan lát thường tập trung thành một nhóm phân chia công việc, người chuốt nan, người đan gùi
Các nghệ nhân đan lát thường tập trung thành một nhóm phân chia công việc, người chuốt nan, người đan gùi

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh (Gia Lai) để tìm hiểu về nghề đan lát truyền thống của người Gia Rai. May mắn, chúng tôi gặp ông Rơ Châm Hết, một trong những người đang có thu nhập khá từ nghề truyền thống này. 

Năm nay, ông Hết đã 72 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt chuốt từng nan tre, khéo léo đan xếp, tạo thành những chiếc gùi, chiếc nia đẹp mắt, đủ mọi kích cỡ.

Chiếc gùi là “vật bất ly thân” của người Gia Rai trong quá trình lao động sản xuất
Chiếc gùi là “vật bất ly thân” của người Gia Rai trong quá trình lao động sản xuất

Ông Hết chia sẻ:  "Mình học đan từ bố mình. Nhà mình đàn ông ai cũng biết đan. Mình đan được nhiều gùi lắm, từ nhỏ đến giờ không biết bao nhiêu cái gùi đã theo mình lên rẫy đựng lúa, mang nước, cái nia theo mình từng bữa ăn. Thấy gùi của mình đẹp, bà con trong làng đều đến đặt mình làm nên những lúc nhàn rỗi, tranh thủ đan gùi để kiếm thêm thu nhập".

 Những nan tre được người Gia Rai chọn từ cây tre “vừa tuổi” rồi chuốt thật đều để đan gùi
Những nan tre được người Gia Rai chọn từ cây tre “vừa tuổi” rồi chuốt thật đều để đan gùi

Còn ở làng Jút 1, xã Ia Der, huyện Ia Grai, ai cũng biết đến ông Rơ Châm Nguich là người có tài đan những chiếc gùi đẹp. Để có vật liệu ưng ý làm ra những chiếc gùi tốt, ông Nguich phải vào rừng kiếm tre “vừa tuổi”, không non quá và cũng không già quá để uốn dẻo, chuốt thành sợi nan cho thật đều. Với những chiếc gùi có hoa văn, họa tiết, ông Nguich tính toán, sắp xếp hợp lý màu sắc, rồi đan, điểm xuyết khéo léo.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguich cho biết: "Mình biết đan gùi từ khi 10 tuổi. Mình mất bố từ sớm nên được các chú truyền nghề lại. Nhờ chăm chỉ học cùng với chút khéo léo nên mình đan rất nhanh, hoa văn cũng đặc sắc". Nói đoạn, ông Nguich mang ra một số vật dụng như: gùi, rổ, rá… mà ông tự đan để sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, ông bảo, chiếc gùi là vật dụng được dùng chủ yếu, bởi đây là “vật bất ly thân” của người Gia Rai trong quá trình lao động sản xuất.

Ông Rơ Châm Nguich còn sử dụng các dây nhựa tái chế để đan gùi
Ông Rơ Châm Nguich còn sử dụng các dây nhựa tái chế để đan gùi

Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà kích thước mỗi chiếc gùi to nhỏ khác nhau. Gùi dùng để đi làm rẫy thì to và đan thưa hơn. Các loại gùi kín, dày mất nhiều thời gian và tỉ mỉ dùng để đựng gạo, bắp, hạt giống... Đặc biệt, những chiếc gùi dùng để biểu diễn trong lễ hội, thì đan công phu hơn và không thể thiếu hoa văn truyền thống của người Gia Rai.

Tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà kích thước mỗi chiếc gùi, nia có kích thước to nhỏ khác nhau
Tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà kích thước mỗi chiếc gùi, nia có kích thước to nhỏ khác nhau

Chị H’Uyên Niê, thôn Ia Lok, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh chia sẻ, những chiếc gùi, nia đã trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào Gia Rai. Vì vậy, chị đã đăng lên Facebook để giới thiệu, kiếm đầu ra cho các sản phẩm đan lát truyền thống của làng. Đồng thời, tiếp cận quán các cà phê, cá nhân có nhu cầu mua gùi, rổ, nia…, làm quà lưu niệm. Từ đây, cũng có thu nhập cho các nghệ nhân trong làng. 

"Vì được làm từ vật liệu thiên nhiên, lại được bảo quản trên gác bếp nên sản phẩm có độ bền cao. Tùy từng kích cỡ, mỗi chiếc gùi có giá 150-400 ngàn đồng, chiếc nia có giá 30-100 ngàn đồng. Trong một năm, mình đã bán được 200 gùi nhỏ và những chiếc rổ, nia nhỏ với số lượng gần 300 cái”, chị H’Uyên Niê cho biết

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, cho biết: Nghề đan lát ở xã Ia Mơ Nông đã có truyền thống từ lâu đời. Vì vậy, chính quyền xã đã tuyên truyền, hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm của bà con thông qua buổi họp, lễ hội, hầu như các sản phẩm đều bán được và có giá trị rất là cao, mang lại thu nhập cho đồng bào DTTS nơi đây.

Nghề đan gùi vừa giúp có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Gia Rai ở Gia Lai
Nghề đan gùi vừa giúp có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Gia Rai ở Gia Lai

Không chỉ là đam mê với nghề đan lát truyền thống, những người như ông Hết, ông Nguich còn tuyên truyền bà con gìn giữ nghề truyền thống. Ai có nhu cầu học nghề đều được các ông hướng dẫn nhiệt tình, với mong muốn gìn giữ nghề do cha ông để lại. Đặc biệt, ông Nguich còn đan gùi bằng các vật liệu tái chế như dây nhựa để tạo ra các gùi, nia độc đáo, có độ chịu nặng cao.

Ông Siu Hnit, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, nhận định: Nhờ sự tâm huyết, đam mê với nghề, các nghệ nhân đã góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai. Cùng với đó, sự sáng tạo, tái chế vật liệu để đan gùi của các nghệ nhân đã góp phần bảo vệ môi trường, rất đáng để biểu dương, nhân rộng. Những sản phẩm làm ra không chỉ giúp các nghệ nhân đan lát có thêm thu nhập, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Các loại cây họ tre nứa rất dễ trồng, dễ chăm sóc với hàng chục giống tre, trúc khác nhau và chúng được trồng hầu như khắp các địa phương vùng Tây Nam bộ. Từ lâu, sản phẩm từ cây tre gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Dù đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp nhưng không vì thế mà sản phẩm từ họ tre trúc “hết thời”.