Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người mang nặng "duyên nợ" với văn hóa Ba Na

Thành Nhân - 08:07, 08/03/2021

Là người con dân tộc Ba Na (nhóm Ba Na Kriêm), những tập tục, văn hoá của đồng bào Ba Na đã ngấm vào Nghệ nhân ưu tú Yang Danh như một phần máu thịt. Đây cũng là lý do mà mấy chục năm qua, ông dành phần lớn thời gian, tâm huyết của mình cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na Kriêm ở Bình Ðịnh...

Người mang nặng "duyên nợ" với văn hóa Ba Na
Nghệ nhân ưu tú Yang Danh (bên phải), chỉ cách đánh cồng chiêng cho đồng bào
Nghệ nhân ưu tú Yang Danh (bên phải) hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho đồng bào

Khởi nguồn cho mối duyên nợ

Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh , tên thật là Yang Đêu, 75 tuổi, dân tộc Ba Na ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Từ lâu, ông đã trở nên quen thuộc, là niềm tự hào của người dân Vĩnh Thạnh. Gặp ông, người dân gọi với cái tên trìu mến “Danh Ba Na”, bởi ông luôn dành tình yêu, trái tìm đầy nhiệt huyết của mình cho  công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian.

Ông kể, người Ba Na ở Vĩnh Thạnh thuộc 1 trong 7 dòng Ba Na, gọi là Ba Na Kriêm. Cuộc sống của người Ba Na Kriêm gắn liền với nương rẫy, núi rừng. Đồng bào rất nhiệt tình, cởi mở, thân thiện. Hòa vào nhịp sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa đã dần mai một. Do vậy, việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống khi những già làng đang sang tuổi "gần đất xa trời", là điều vô cùng cần thiết. Tôi may mắn được học hành, nên luôn nhớ lời Bác Hồ dặn: “các cháu là những hạt giống đỏ của miền Nam” nên càng hiểu mình phải có trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình.

Mối duyên nợ với văn hóa dân gian bắt đầu từ năm 1969, sau khi học xong phổ thông tại Trường Dân tộc Trung ương, ông có hai sự lựa chọn: Một là đi học tại Trường Ðại học sư phạm Việt Bắc (Thái Nguyên); hai là nhận công tác tại Ðài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội. Với suy nghĩ, nếu làm báo thì sẽ có nhiều cơ hội sớm được trở về quê hương, ông chọn làm việc ở Ðài Tiếng nói Việt Nam, rồi được cử đi học. 

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí - Trường Tuyên huấn Trung ương, ông được phân công về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum, làm phóng viên rồi Tổ trưởng Tổ Văn - Xã.

"Từ năm 1980, tôi bắt đầu có ý thức sưu tầm để góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người Ba Na Kriêm. Từ khi về hưu (2007) đến nay, tôi có nhiều thời gian để viết hơn. Nhờ cái duyên và có điều kiện (nghiệp vụ nhà báo) nên tôi làm được văn hóa", ông Yang Danh chia sẻ.

Tác phẩm đầu tiên đáng kể của Yang Danh về văn hóa, là “Nhận diện văn hóa Ba Na Kriêm”, đoạt giải A3 - Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1999. Công trình này là kết quả của sự tổng hợp, so sánh, nghiên cứu để tìm ra những nét đặc trưng của văn hóa Ba Na Kriêm như: Đâm trâu, cồng chiêng, nhà sàn, hoa văn... Giải thưởng  là kết quả của quá trình nhiều năm ông lăn lộn ở cơ sở, nhiệt tình tìm tòi các lĩnh vực, chi tiết cụ thể của văn hóa Ba Na nói riêng và văn hóa các DTTS Việt Nam nói chung. 

Liên tục từ đó đến nay, ông Yang Danh đã có 10 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật về văn hóa Ba Na Kriêm, như: Rượu cần, ẩm thực, nhà sàn, rẫy, lễ hội đâm trâu, các trường ca... Các công trình này đã mang về cho ông 4 giải A3, 2 giải B, 2 giải Khuyến khích của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Miệt mài giữ lửa văn hóa dân tộc

Từ thời thơ ấu, những tập tục, văn hoá của đồng bào Ba Na đã ngấm vào ông như một phần máu thịt. Với lợi thế ông có phương pháp sư phạm, kiến thức về văn hoá, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Ba Na nên khi ông truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian để gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm tư liệu cổ biên soạn, ghi chép lại. Trong đó, nhiều áng thơ ca, phong tục của đồng bào đã được ông biên soạn, đóng quyển cẩn thận để làm tài liệu truyền dạy cho thế hệ sau. Sau này, kể cả đã lớn tuổi, nhưng nghệ nhân Yang Danh vẫn ngày ngày đi dạy tiếng, chữ Ba Na (nhóm Ba Na K’riêm) và truyền dạy phong tục, văn hoá dân tộc Ba Na cho lớp trẻ.

Ông Yang Danh có một mong ước cháy bỏng là, mỗi người con dân tộc Ba Na đều có ý thức giữ gìn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, giữ từ những chi tiết nhỏ và cụ thể trong việc thêu dệt, phục trang, dựng nhà, đan lát... Ông nói với giọng tha thiết: "Người già hãy truyền lại cho con cháu các bài hơmon (trường ca), roi (kể chuyện), mẹ truyền cho con, người biết truyền cho người chưa biết. Tôi mong ngày càng có nhiều người say mê và trách nhiệm với văn hóa Ba Na nói riêng và văn hóa của các DTTS nói chung".

Ông tâm sự: "Làm một mình, tôi thấy lẻ loi như đi lạc trong rừng sâu, sự hiểu biết cũng bị bó hẹp. Nên tôi nghĩ, mình có trách nhiệm phải hướng cho thế hệ trẻ đam mê văn hóa truyền thống. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo, có các nghệ nhân giỏi, có nhân lực để làm công tác tổng hợp, lưu giữ và tất nhiên, phải có... kinh phí".

Gần một đời người, khi tóc đã bạc, mắt đã mỏi, chân đã run,  nhưng ông vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu văn hóa truyền thống. Hằng ngày, ông vẫn miệt mài truyền lửa đam mê văn hóa dân tộc cho bao lớp thế hệ trẻ. 

“Mình còn sống, thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những gì còn thiếu như văn hoa thêu dệt, đám cưới, đám tang… để làm phong phú hơn tư liệu văn hóa của dân tộc mình”, Nghệ nhân Yang Danh tâm sự.