Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người "mang nợ" với cồng chiêng

Thiên Đức - 15:48, 30/11/2021

Mái tóc búi cao, dáng người rắn rỏi, tiếng nói oang oang, là những gì chúng tôi ấn tượng ở Nghệ nhân Bùi Tiến Xô trong lần gặp ông tại Ngày hội Đại đoàn kết ở xứ Mường Động (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) vừa diễn ra vào cuối tháng 11/2021. Được biết, từ năm 2015, ông là 1 trong 8 nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì sự miệt mài, tận tâm góp sức giữ cho những mạch ngầm văn hóa truyền thống dân tộc chảy mãi.

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô với những bộ cồng chiêng quý giá
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô với những bộ cồng chiêng quý giá

Lặn lội tìm cồng chiêng

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô sinh năm 1953 quê gốc ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Năm 17 tuổi, ông theo cha mẹ di cư đến thôn 168, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi. Ngay từ nhỏ, đời sống, văn hóa của dân tộc Mường như một mạch nguồn tự nhiên ngấm dần trong ông.

Vì thế vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế của đất nước còn hết sức khó khăn, nhiều hộ gia đình đành cắn răng bán đi những bộ cồng chiêng cổ. Không đành lòng trước sự “chảy máu” văn hóa, ông Xô khi ấy còn là cộng tác viên của Đoàn Văn công tỉnh, ông đã tự nguyện rong ruổi chiếc xe đạp đi khắp núi rừng của Hòa Bình tìm mua lại cồng chiêng.

Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ đó, ông Xô kể lại, thời đó, có gia đình vì “bí quá”, biết việc ông làm không bởi vì vụ lợi cá nhân hay kinh doanh, buôn bán nên họ tin tưởng, nhượng lại cho ông với giá “hữu nghị”, với lời dặn dò tỷ mỉ, tha thiết: “Tôi để cho ông, để dùng mỗi khi có dịp lễ lạc gì cần. Đừng bán, nếu bán thì gọi tôi. Giá nào lúc ấy tôi cũng mua”.

Dù đường sá đi lại còn khó khăn, nhưng những tiếng cồng chiêng cứ thôi thúc, dồn dập, giục ông phải lên đường. Có lần, để lấy được 2 chiếc cồng chiêng nhỏ (đã bị vỡ, nhưng ông đã sửa được và “trả lại giọng nói” cho chúng) ông từng phải mất 3 ngày trời vượt hơn 100km đường đồi núi với những sỏi đá gồ ghề về huyện Tân Lạc (Hòa Bình).

Ông Xô cho biết thêm, trong số những chiếc cồng chiêng ông sưu tầm được, có chiếc tuổi thọ đến cả 400 - 500 năm, do ông cha để lại. Đó là những chiếc mà thời bấy giờ chỉ có những người có chức sắc trong bản làng mới giữ được. Nhiều lúc ngồi vui với mọi người, ông vẫn cười tươi mà rằng: “Đời mình chót mang cái “nợ” với cồng chiêng rồi. Giờ muốn bỏ cũng chẳng thể đành được nữa”.

Bằng tâm huyết của mình, ông Bùi Tiến Xô đã sưu tầm được gần 60 bộ cồng chiêng vô cùng quý giá. Từ Mường Động, tiếng cồng chiêng của người Mường như đã được ông Xô lưu giữ để rồi ngân vang ngân xa hơn trong cuộc sống hiện đại tất bật.

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô trò chuyện cũng các nghệ sĩ trẻ
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô trò chuyện cùng các nghệ sĩ trẻ

Trao truyền văn hóa

Không chỉ là cồng chiêng, nghệ nhân Bùi Tiến Xô còn là một nghệ sĩ đa tài. ông biết chơi và thể hiện ấn tượng gần 20 loại nhạc cụ của các dân tộc miền núi và cả một số nhạc cụ hiện đại.

Đưa chúng tôi về thăm gia đình, ông Xô khoe kho nhạc cụ với đủ các loại: Khèn, tiêu, sáo, ghita, tam thập lục, đàn đáy, đàn nhị, đàn bầu, đàn tính, trống cơm. Bản “Tiếng đàn bầu”, rồi “Lòng mẹ” đã vang lên ngay sau đó, từ chiếc đàn bầu do chính ông tự chế. Rồi đang cao hứng, nghệ sĩ Xô lấy ngay cây tiêu, ngồi tựa cửa sổ thổi một bản nhạc của núi rừng Tây Bắc mà những người Mông rất ưa thích. 

Tất cả các nhạc cụ ông đều làm ra được, thể hiện tốt và rất có hồn. Chúng tôi đã có một ngày thưởng thức âm nhạc miễn phí tuyệt vời giữa núi rừng, cùng với món cá suối, rau rừng trong căn nhà sàn do chính ông tự đi kiếm gỗ và dựng lên trong 1 tháng trời.

Giờ đây, người Mường ở vùng Kim Bôi chẳng mấy ai còn ở nhà sàn như ông Xô nữa. Cũng chẳng còn nhiều người biết đánh cồng, đánh chiêng. Còn ông Xô, sau những giây phút thăng hoa với âm nhạc, cuối ngày lại trở về công việc đời thường là một anh thợ hàn xì đầy gian khó. Trải qua không biết bao nhiêu nghề để mưu sinh, để nuôi dưỡng đam mê chiêng Mường.

Nhưng bao năm nay, ông đã cần mẫn đi khắp nơi tìm mua lại cồng chiêng và mang chiêng ấy đi truyền thụ (miễn phí) cách chơi ở khắp nơi. Với ông Xô, ông chỉ sợ không tìm được người học, chứ tiền dạy ông không nhắc tới bao giờ.

Ông đã đến mạn Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc, rồi TP. Hòa Bình để tìm và mở những lớp dạy cồng chiêng miễn phí. Người dạy và người học đến với nhau hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Còn nhạc cụ để giảng dạy, ông cũng chẳng ngại ngần vác bộ cồng chiêng của mình đi cho học sinh thực hành.

Hiện nay, mặc dù công việc nhà rất bận rộn, nhưng ông Xô vẫn thường xuyên đi truyền dạy cồng chiêng. Riêng ở huyện Kim Bôi, ông Xô đang dạy cho 3 đội cồng chiêng ở các xã với số thành viên lên tới hơn 60 người.

Trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc vào cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi may mắn được thưởng thức Đội cồng chiêng của xã Đú Sáng, Kim Bôi với 32 thành viên, toàn là phụ nữ Mường do “thầy” Xô truyền dậy biểu diễn rất đặc sắc.

Có thể nói, dù cuộc sống hiện đại còn nhiều khó khăn thiếu thốn, song núi rừng Hòa Bình vẫn còn có những người như nghệ nhân Bùi Tiến Xô, thì văn hóa của người Mường vẫn luôn được gìn giữ như những mạch ngầm văn hóa chảy mãi cho thế hệ mai sau.

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.