Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người sở hữu kho báu văn hóa Tày

Hồng Phúc - 10:34, 19/11/2019

Dù năm nay đã 89 tuổi, nhưng Nghệ nhân Hoàng Hóa ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) vẫn ngày ngày cặm cụi sưu tầm, nghiên cứu những tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian của người Tày. Ông đã dành trọn cuộc đời mình để gắn bó với văn hóa nguồn cội.

Dù đã 89 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa vẫn say sưa nói về công tác sưu tầm, giữ gìn văn hóa dân tộc
Dù đã 89 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa vẫn say sưa nói về công tác sưu tầm, giữ gìn văn hóa dân tộc

Nghệ nhân Hoàng Hóa là người con của dân tộc Tày. Từ năm 1952, ông phụ trách Đoàn Văn công Bắc Kạn. Ông có một tình yêu, niềm đam mê đặc biệt với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Được đi nhiều địa phương biểu diễn, phục vụ bà con, sự say mê ấy ngày càng lớn dần, tới đâu ông cũng tỷ mẩn ghi chép. Ông đã học thêm được nhiều làn điệu dân ca Tày - Nùng của nhiều địa phương khác. Chính vì vậy, Đoàn Văn công có thêm tiết mục biểu diễn trong những chương trình văn nghệ quần chúng của huyện, tỉnh do chính ông phổ lời.

Đồng nghiệp, người dân đã quen với hình ảnh của một nghệ nhân cặm cụi, tâm huyết với việc tìm hiểu, sưu tầm những chuyện cổ tích, những phong tục tập quán, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của đồng bào. Sau hàng chục năm sưu tầm, nghiên cứu ông đã sở hữu được những tư liệu quý giá, mà ông gọi là “kho báu”, về: Đám cưới có thơ lẩu, quan làng, pả mẻ, lễ đầy tháng tuổi của trẻ sơ sinh… và những nghi thức tế lễ của dân tộc Tày - Nùng Bắc Kạn. Đó là những chất liệu quý giá để khi về hưu, từ năm 1982, ông cần mẫn tập hợp, viết thành các tác phẩm văn học dân gian. 

Dày công biên soạn và hoàn thành hơn 20 tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian, những tư liệu quý hiếm và bổ ích về đồng bào dân tộc Tày - Nùng tỉnh Bắc Kạn, năm 2012, Nghệ nhân Hoàng Hóa đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn. Nghệ nhân Hoàng Hóa nói: “Tôi thấy mình giàu có” bởi ông sở hữu khối tài sản quý giá là hàng chục bài thơ, bài hát. Những sáng tác tiêu biểu phải kể đến là những kịch bản phim dân ca Tày như: Tín vật tình yêu (2006), Sự tích Hồ Ba Bể (2012). Đặc biệt, tác phẩm Chuyện tình Kéo Điếp (2015) được Đài PT - TH Bắc Kạn dàn dựng, tham gia liên hoan phim toàn quốc đã giành được 2 giải Vàng. 

“Sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác là lẽ sống của đời tôi. Giờ đây tôi vẫn đang cố gắng nhanh chóng hoàn thiện những tâm nguyện của đời mình. Chỉ mong sao thế hệ trẻ thấy được cái hay, cái quý của các giá trị văn hóa dân tộc…”, Nghệ nhân Hoàng Hóa chia sẻ. 

Điều mà người ta khâm phục ở nghệ nhân già này là sự say mê đến lạ kỳ, ông không ngại khó, ngại khổ đi đến tận nơi gặp người cung cấp để thẩm định rồi về biên soạn lại nếu thấy tư liệu chưa ổn. Ông đã có hàng chục tác phẩm dịch, giới thiệu văn hóa dân tộc mình trên các tạp chí văn học nghệ thuật của tỉnh và Trung ương. Vì thế, người ta gọi ông là sứ giả văn hóa của người Tày.

Với những cống hiến cả cuộc đời cho văn hóa dân gian, Nghệ nhân Hoàng Hóa đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý, như: Huy chương Vì sự nghiệp VHNT của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Năm 2015, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và năm 2019 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, trở thành Nghệ nhân Nhân dân đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. 

Tin cùng chuyên mục
Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Đã có những năm tháng, âm nhạc dân gian và những vũ điệu Tamya Arya, Dăm Dar của người Chu Ru vắng bóng trong các buôn làng. Nhưng hôm nay đã khác, mỗi khi buôn làng mở hội hay đón khách quý, âm vọng đại ngàn của người Chu Ru lại vang lên rộn rã...