Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân tận tâm truyền dạy trống Ghi năng

Sơn Ngọc - 13:46, 06/11/2019

Nghệ nhân Phú Văn Lương vừa vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây là phần thưởng cao quý động viên ông tiếp tục gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tận tâm chăm lo truyền dạy trống Ghi năng cho thanh thiếu niên địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương hướng dẫn học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm.
Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương hướng dẫn học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm.

Đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương ở thôn Như Ngọc, xã Phước Thái, Ninh Phước (Ninh Thuận), chúng tôi như bị hút hồn khi nghe tiếng trống baranưng khỏe khoắn tài hoa của ông hòa nhịp cùng trống ghi năng của hai học trò là Đạt Quang Phiêu ở thôn Hữu Đức và Đổng Duy Tâm ở thôn Hoài Trung. 

“Tôi rất tự hào được làm học trò của Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương. Ông yêu thương và tận tâm truyền dạy bài bản vỗ trống ghi năng cho học trò. Gần 4 năm theo thầy rèn nghề học vỗ trống, đến nay tôi có thể cùng với các bạn đồng môn đảm nhận vai trò nhạc công thực hiện chương trình văn nghệ phục vụ bà con thôn xóm”, anh Đạt Quang Phiêu cho biết. 

Gần 50 tuổi đời, Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương đã có hơn 35 năm đam mê gắn bó máu thịt với hai loại nhạc cụ quan trọng của đồng bào Chăm là trống ghi năng và trống baranưng. Ông nói như rút ruột giãi bày chân tơ kẽ tóc nét độc đáo của các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm. Bộ ba nhạc cụ cần phải có trong các hoạt động lễ hội là baranưng tượng trưng cho đất, ghi năng tượng trưng cho trời, kèn saranai tượng trưng cho con người. Nếu thiếu một trong ba món “thiên - địa - nhân” thì không thành nhạc lễ. Nghề học đánh trống ghi năng và baranưng phải có lòng đam mê và khổ công rèn luyện mới thành. 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc Chăm, từ lúc 13 tuổi, ông được người chú ruột là Nghệ nhân Ưu tú Phú Bình Đồn ở làng Vụ Bổn tận tâm truyền dạy trên 70 bài bản trống ghi năng phục vụ hoạt động tín ngưỡng dân gian và 5 bài trống biểu diễn văn nghệ thôn xóm. Ông tiếp tục theo cố Nghệ nhân Ưu tú Thiên Sanh Thềm học vỗ trống baranưng và nằm lòng 50 bài hát khoản đãi thần linh. 

Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương “truyền lửa” cho 14 thanh niên địa phương đam mê sự huyền diệu hút hồn của tiếng trống ghi năng. Khi tiếng trống cất lên thì không gian náo nức niềm vui, thôn xóm thanh bình và con người đầy ắp lòng yêu thương. 

Bà con thôn xóm thích học đánh trống ghi năng đều được ông tiếp nhận và dốc lòng truyền dạy miễn phí. Những học trò kinh tế gia đình khó khăn đều được ông cưu mang nhường cơm sẻ áo. Học trò ôm trống vỗ theo ký hiệu thanh âm của ông, từ điệu Thôn la vui tươi đến Pằng kì nà mang đậm tính tráng ca. Những học trò sáng dạ thì trong vòng 6 tháng có thể vỗ được những bài bản đơn giản. Sau vài năm thì phục vụ được chương trình văn nghệ thôn xóm. Để đánh được trống ghi năng phục vụ lễ hội lớn thì phải mất cả chục năm luyện nghề. Muốn tiếng trống có hồn vía, có lời ăn tiếng nói riêng thì người nghệ sĩ phải đeo đuổi cả đời người. 

Bà con dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước cúng chà và lớn hoặc có những lễ hội quan trọng làng xóm đều mời Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương và các học trò của ông đánh trống và hát ngợi ca công lao ông bà tổ tiên đối với con cháu. 

“Tôi có ba niềm vui lớn trong năm 2019, là được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú; tham gia tổ chức thành công chương trình ca múa nhạc mừng đón Katê ở thôn Hậu Sanh; tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Ninh Thuận”, Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương chia sẻ niềm vui. 

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Hằng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.