Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người Tày giáo dục con cháu qua tục ngữ, thành ngữ

Sông Lam - 15:58, 09/01/2019

Cộng đồng người Tày ở Việt Nam có một kho tàng tục ngữ, thành ngữ phong phú, đa dạng để khuyên răn dạy bảo con người. Dù chân thực, giản dị nhưng những câu ca dao, tục ngữ của dân tộc Tày có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Câu nói vần vè, giản dị góp phần định hướng nhân cách. Ví dụ như: “Biết người biết ta, đừng ba hoa làm gì” hay câu tục ngữ: “Làm người chớ miệng ngọt ruột đắng/Làm người chớ ruột đắng lòng gian”.

Người Tày thường vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong âm nhạc truyền thống để giáo dục con người.   Người Tày thường vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong âm nhạc truyền thống để
giáo dục con người.

Cũng như các dân tộc khác, người Tày đặc biệt coi trọng lòng hiếu nghĩa của con cháu với cha mẹ, ông bà. Người Tày ở Nà Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thường răn dạy con cháu: “Ai đếm được lá rừng/Ai kể được công ơn cha mẹ”; “Nuôi con mới biết công cha mẹ”. Câu tục ngữ nói về sự gắn bó tình cảm anh chị em trong gia đình được đúc kết tinh tế: “Anh em liền bụng rau xanh”; “Đường không đi cỏ tranh mọc/Anh em không đi lại thành người lạ”.

Bản chất đồng bào dân tộc Tày sống ngay thẳng và thật thà. Chính vì vậy, người Tày không thích những lời nói và cách sống giả dối, hai lòng. Giáo dục con cháu phải sống chân chính, họ dạy con cháu rằng: “Đứng thẳng không sợ lệch bóng/Người tốt không sợ sai lầm” hay câu: “Ở ngay ăn không hết, cong queo ăn không đủ”.

Ngoài tục ngữ, thành ngữ Tày còn sáng tạo ra những lời dạy bằng thơ diễn đạt quan niệm truyền thống, giáo dục ý thức răn dạy con người sống sao cho hợp với đạo đức. Cổ nhân dạy người đàn ông sống phải giữ lễ nghĩa: phải lịch sự, nghiêm trang, biết kính trên, nhường dưới, yêu kính cha mẹ, kính trọng họ hàng, làng xóm. Cách phân thứ bậc được nhấn mạnh: “Tuổi hơn là làm chị làm anh/Gọi bừa người cười chê khó tránh/Ta kính nhau cần theo ngôi thứ/Không được gọi xằng bậy mày tao”…

Cổ nhân cũng dạy làm người phải coi trọng người khác, gặp kẻ khốn khó không được cười chê, khinh bạc: “Đừng có chê kẻ nghèo khinh bạc/Giàu sang trời ban phát định rồi/Sinh ra ai đã là giàu có/Ai chẳng muốn làm lớn ngồi trên/Còn mong muốn có thêm vàng bạc/Số hay không cần ước cũng nên”.

Trong việc tu dưỡng của người đàn ông, người Tày đặc biệt đề phòng ba điều xấu xa tệ hại nhất. Đó là thói ăn trộm, nghiện hút, cờ bạc. Cổ nhân khuyên nhủ người đàn ông tránh xa thói ăn trộm. Đó là thói xấu dễ bị quen: “Trộm quen là không ngại run tay”. Cổ nhân cũng rất quan tâm dạy bảo con cháu không sa vào cạm bẫy của ma túy: “Đường thuốc phiện ăn trộm đừng theo/Đừng có tham ngồi nằm trên chiếu”.

Trong đời sống văn hóa tinh thần hôm nay, nhiều gia đình người Tày vẫn đề cao việc giáo dục, khuyên răn con cháu qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Loại hình văn hóa truyền miệng này như một nguồn nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ người Tày hôm nay và mai sau.