Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nếp nhà của mẹ…

Y Nguyên - 12:50, 24/06/2021

Tôi lớn lên, bước chân ra đời thành người có học. Ỷ lại với cái tri thức của mình nên nhiều lúc hành xử chủ quan, quên mất “nếp nhà” mẹ dạy. Kì thay, mỗi lần quên là mỗi lần phải trả giá! May mà trả giá xong còn kịp nhớ để “sửa sai”...

Mẹ và ngôi nhà xưa cũ
Mẹ và ngôi nhà xưa cũ (ảnh minh họa)

Ở nhà có ba nhưng ba tính hiền lành nên con cái hay “lờn mặt”, ba nói không nghe. May mà có mẹ. Mẹ không được học hành nhiều nhưng suy nghĩ, nói năng, hành động đều rất sáng suốt, quyết đoán. Gia đình anh chị em tôi sống, cư xử cùng nhau đâu ra đó, lớp lang thứ bậc đàng hoàng là nhờ mẹ…

Cái nếp đầu tiên mẹ dạy các con là sống biết tiết kiệm, biết tính toán căn cơ. Ăn bữa mai phải lo bữa chiều - câu cửa miệng của mẹ. Nhà làm nông không đến nỗi thiếu đói; nhưng mẹ chi tiêu rất tiết kiệm. Ăn chú trọng ăn no hơn ăn ngon; mặc chú trọng mặc ấm, mặc lành hơn mặc đẹp. Con cái có đứa nào không ưng ý, mặt nặng mày nhẹ là mẹ lập tức nghiêm mặt giáo huấn.

Chuyện mặc cũng vậy, đi học đua đòi bè bạn, về nhà đòi quần nọ áo kia, mẹ đáp gọn hơ: Bây tính đi học hay đi đàn đúm? Nói nhẹ nhàng vậy nhưng xử sự thì vô cùng kiên quyết khiến con cái sợ một phép!

Lớn chút, mẹ giảng giải thêm cho con về mục đích xa hơn của tiết kiệm. Ấy là để có chút ít dôi dư tích lũy phòng khi bệnh tật, tai nạn hoặc gặp những chuyện bất ngờ cần đến tiền không phải lúng túng mượn vay. Mẹ bảo, đời mẹ ghét nhất chuyện vay mượn. Mẹ nghèo nhưng hầu như cả đời chưa bao giờ phải mượn vay ai là nhờ biết lo xa, tiết kiệm!

Cái nếp thứ hai mẹ dạy con là sống biết kính trên nhường dưới, đặc biệt đối với ông bà mẹ cha. Ấy là nói cho văn vẻ theo ngôn ngữ của tôi chứ mẹ thì dân dã hơn: Thờ cha kính mẹ, lớn nói nhỏ nghe, lớn không được ỷ (lớn), nhỏ không được hỗn! Không phải nói suông, mẹ dạy con bằng chính hành vi của mẹ.

Mồ côi cha từ nhỏ, bà ngoại đi bước nữa, bỏ mẹ lại cho bà cố nuôi. Lớn lên, có gia đình riêng, mặc dù bươn chải vất vả với cảnh nhà nghèo đông con, mẹ vẫn thu xếp đi về thăm hỏi cố. Những ngày cuối đời, cố già cả đau yếu neo đơn mẹ đi về chăm sóc, phụng dưỡng cố thường xuyên hơn. Về là lăn lưng vào dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước. Ai trông thấy cũng khen: Cháu mà chăm bà còn hơn con chăm mẹ! Mẹ cười: “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó”, mình ráng sống hiếu thuận với người trên đặng mai kia… con cháu nó hiếu thuận với mình! Câu ấy vẻ như mẹ cố tình nói cho chúng tôi nghe. Ví von dễ hiểu, không cần phải nhiều lời…

Bữa cơm gia đình
Bữa cơm gia đình (Ảnh minh họa)

Với bà ngoại, mẹ vẫn một dạ quan tâm, không mảy may oán hờn chuyện bị ngoại “bỏ rơi” hồi nhỏ. Với những người anh em con  của ngoại cũng vậy, mẹ quan tâm hết lòng mỗi khi có việc. Anh em tôi nhiều lúc bực dọc muốn nổi xung: Bà ngoại có nuôi mẹ đâu? Các cậu dì có ai quan tâm tới mẹ đâu mà mẹ đi lo? Mẹ dịu giọng: Không hẳn vậy đâu con! Ngoại ngày xưa có cái khó của ngoại nên mới phải xa mẹ. Còn các cậu, dì ít nhiều cũng mặc cảm chuyện đã “giành” mất tình thương của ngoại nên tránh né. Nhưng… nửa dòng máu cũng vẫn là ruột thịt. Máu chảy ruột mềm, anh em sao bỏ được, huống chi mẹ còn là “chị Hai”? Có thể những lời giảng giải của mẹ bằng cách nào đó đã lọt được đến tai các cậu dì, mà cũng có thể cách cư xử rất “Chị Hai” của mẹ lâu dần đã khiến các cậu dì cảm động. Chị em từ đó thành gần gũi, tương thân tương ái, sống bao bọc nhau khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ…

Tôi lớn lên, bước chân ra đời thành người có học. Ỷ lại với cái tri thức của mình nên nhiều lúc hành xử chủ quan, quên mất “nếp nhà” mẹ dạy. Kì thay, mỗi lần quên là mỗi lần phải trả giá! May mà trả giá xong còn kịp nhớ để “sửa sai”. Về thăm, kể chuyện mẹ nghe, mẹ cười móm mém: Tao nói mà bây có tin đâu. Cá không ăn muối cá ươn. Vậy đó con à…

Tin cùng chuyên mục
Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Từ nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh gia cao; trong đó, kết quả giảm nghèo đa chiều đặc biệt ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành quả giảm nghèo ở địa bàn này xuất phát từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.