Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nhà máy cấp nước xã Đô Thành (Nghệ An): Nhất bên trọng, nhất bên khinh

Việt Thắng - Y Nguyên - 19:30, 14/06/2023

Cùng đóng mỗi hộ 2,5 triệu đồng từ năm 2012 để làm vốn đối ứng xây dựng nhà máy nước, nhưng chỉ một nửa số hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được sử dụng nước máy, một nửa còn lại thì không.

Không có nước máy, bà con phải khoan giếng nhưng không dám ăn uống vì nước bị ô nhiễm
Không có nước máy, bà con phải khoan giếng nhưng không dám ăn uống vì nước bị ô nhiễm

Xây nhà máy nước mà không được dùng nước máy

Đô Thành là xã trũng thấp của huyện Yên Thành, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, không sử dụng được. Năm 2012, xã vận động bà con đóng góp 2,5 triệu đồng/hộ để làm vốn đối ứng, xây nhà máy cấp nước.

Hay tin có nhà máy nước, ai cũng háo hức và tích cực đóng góp, hộ khó khăn đến mấy cũng cố vay mượn để sớm có nguồn nước sạch sử dụng. Và nhà máy nước cũng đã xây dựng, đưa vào hoạt động. Thế nhưng chỉ có 7 xóm được cung cấp nước sạch, 7 xóm còn lại thì ngồi mà nhìn thèm. Bà con của 7 xóm không được cấp nước hết sức bực bội, họ nhiều lần đòi xã trả lại tiền, nhưng xã lại xin khất vì… không còn tiền.

Mở vòi nước được bơm lên từ giếng khoan rồi lắng lọc trong bể cạn, bà Võ Thị Thân (ở xóm Đông Thị, xã Đô Thành) lắc đầu nói, gia đình bà chỉ dùng để tắm giặt, không dám dùng để nấu ăn vì nước có màu gạch cua và nhiễm đá vôi. 

Sau nhiều năm đóng tiền nhưng chờ mãi vẫn không có nước máy, năm 2022, bà Thân thuê người đến khoan giếng, tốn 11 triệu đồng. Mỗi ngày, bà Thân phải mua một thùng nước 20 lít với giá 12.000 đồng về để nấu ăn và uống. “Mỗi tháng, nhà tui tốn khoảng 350.000 đồng tiền nước, nhưng cũng phải dùng dè sẻn mới đủ. Tiền thì nộp rồi, năm nào xã cũng hứa nhưng có thấy nước đâu”, bà Thân thở dài.

Bà Phạm Thị Phượng thì may mắn hơn nhờ có bể ngầm xây chìm dưới đất để đựng nước mưa nên không phải mua nước. Nhưng gia đình bà cũng phải tiết kiệm mới đủ nước dùng. Bà Phượng cho biết, năm 2012, gia đình bà khó khăn nên chậm nộp tiền xây nhà máy nước cho xã. Khi bà đi làm thủ tục cho con đi học đại học thì cán bộ xã buộc bà đóng tiền xây nhà máy nước mới xác nhận thủ tục cho con bà. Thế nhưng, đến nay, nước máy vẫn chưa thấy đâu.

Ông Phan Đăng Thế, nguyên xóm trưởng xóm Đông Thị cho biết, thời điểm đó chủ trương xây nhà máy nước của xã được người dân hưởng ứng, vì nhu cầu nước sạch là rất bức thiết. Đến nay, vẫn chưa có nước máy nên người dân rất bức xúc, vì khoan giếng rất tốn tiền và nguồn nước cũng không an toàn. Có nhiều gia đình khoan xong chỉ dùng được vài năm lại bị tụt nước, phải khoan giếng khác rất tốn tiền. 

“Kỳ họp nào của HĐND xã, người dân cũng yêu cầu xã khẩn trương cấp nước cho dân dùng hoặc trả lại tiền, nhưng lãnh đạo xã cũng chỉ hứa mà không làm”, ông Thế cho biết.

Xã thu tiền của toàn thể các hộ dân nhưng nhà máy nước chỉ phục vụ cho ½ dân số
Xã thu tiền của toàn thể các hộ dân nhưng nhà máy nước chỉ phục vụ cho 1/2 dân số

Tỉnh cho một, xã “bán” lên ba

Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho lập dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt, với tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho xã Đô Thành. Vốn ngân sách bố trí 16,8 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương 11,2 tỷ đồng. Dự án do UBND xã Đô Thành làm chủ đầu tư. 

Do nguồn vốn đối ứng của địa phương không đủ nên chính quyền xã đã vận động người dân đóng góp, mỗi hộ 2,5 triệu đồng và đã thu được hơn 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vốn ngân sách nhà nước bị cắt giảm nên đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn đang nợ nhà thầu 15 tỷ đồng. Hiện, dự án đã vận hành cấp nước sinh hoạt cho 7 xóm với 1.469 hộ dân. 7 xóm còn lại vẫn chưa có nước máy để dùng.

Điều đáng nói là, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Đô Thành, nhà máy nước này chỉ có công suất 677 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho 1.801 hộ dân và các cơ quan trên địa bàn xã. Thế nhưng, UBND xã Đô Thành lại vận động toàn bộ dân của xã đóng tiền để được cấp nước. Trong lúc, dân số xã Đô Thành lúc bấy giờ là 3.200 hộ dân. Như vậy, xã đã thu tiền theo kiểu “tỉnh cho một, xã bán lên ba”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho rằng có thể lãnh đạo xã thời điểm đó thu tiền của toàn bộ các hộ dân vì tính đến phương án thực hiện luôn giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay giai đoạn 1 vẫn còn nợ đơn vị thi công 15 tỷ đồng, còn giai đoạn 2 thì chưa biết khi nào.

Ông Huệ cũng cho hay, nhà máy nước đã hoạt động từ năm 2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được quyết toán. Ông Huệ thừa nhận, đây là lỗi của chính quyền địa phương và mong người dân thông cảm do không có vốn để tiếp tục xây dựng giai đoạn 2. Xã cũng không có kinh phí để trả lại cho dân nên dự án nhà máy nước đang rất nan giải.


Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.