Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nhà nổi nơi "rốn lũ" Tân Hóa

Tiến Phạm - CĐ - 18:38, 06/06/2021

Xã Tân Hóa là "rốn lũ" của huyện vùng cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Để sống chung với lũ, người dân nơi đây đã sử dụng nhà nổi. Cả xã có 600 hộ thì có tới 500 nhà nổi (trừ hộ không bị lũ không xây nhà nổi). Hộ nghèo cũng có thêm một ngôi nhà nổi để chống lũ, phòng thân!.

Nhà nổi phù hợp đến nỗi cả xã Tân Hóa có 600 hộ dân, thì có tới 500 nhà nổi, trừ hộ không bị lũ thì không xây nhà nổi
Nhà nổi đã phát huy tốt công năng trong việc tránh lũ ở Tân Hóa

"Rốn lũ" giữa vùng cao

Từ con đường bê tông men theo những dãy đá vôi dựng đứng, chúng tôi tìm về xã Tân Hóa trong những ngày cuối tháng 5 đầy nắng và gió Lào bỏng rát. Cái nắng “như thiêu như đốt” làm chúng tôi thèm được ngâm mình trong dòng Rục Là Ken xanh mát. Cái cảm giác đó, khiến tôi quên mất rằng, Tân Hóa vốn được ví như  “túi đựng nước” của huyện vùng cao Minh Hóa.

Kiến tạo của địa chất qua hàng triệu năm, đã tạo cho Tân Hóa một địa hình riêng, có lẽ không nơi nào có. Được bao bọc bởi những dãy đá vôi dựng đứng, xuyên qua Tân Hóa còn là dòng Rục Là Ken, dòng Rục Hung Tơn. Cùng với sự hình thành của tạo hóa, không biết từ bao giờ con người cũng đã có mặt ở tại vùng “túi đựng nước” này. 

Nhấp xong chén trà, ông Trần Xuân Lam, xóm 2, xã Tân Hóa, nói như than thở: Vùng này từ xưa tới giờ chỉ cần mưa 2 - 3 ngày là ngập tới nhà rồi. Từ ngày họ phá lèn đá đoạn Thượng Hóa đi Phú Minh, thì lượng nước đổ về đây nhiều hơn. Các hang đá trong đó có hang Con Chuột nhỏ thoát nước không kịp. 

"Xã Tân Hóa bị bao vây bởi những dãy lèn đá dựng đứng. Chỉ còn cách duy nhất là đục hang Con Chuột cho rộng ra để thông lũ, may ra tránh được ngập lũ”, ông Lam trầm ngâm.

Nhưng đục hang Con Chuột để thông nước lũ thì kinh phí quá lớn nên Tân Hóa vẫn chưa phá được thế “bí”. Không chỉ là năm 2010, mà những năm 2019, năm 2020, vùng đất này đã bao phen chìm trong nước lũ. 

Vùng này một năm xảy ra vài ba trận lũ. Lũ nhẹ thì ngập lúa hoa màu, lũ lớn thì ngập luôn cả nhà.

Ông Cao Xuân DiệuNgười dân xóm Bãi Lội, thôn Cố Liên, xã Tân Hóa

Khi mưa lớn, nước từ các xã Hóa Sơn, Trung Hòa, Thượng Hóa và thị trấn Quy Đạt theo các dòng Rục đổ dồn về đây. Những dãy núi đá vôi bao quanh trở thành những con đê khổng lồ “vây nước” dâng cao, Tân Hóa mênh mông như biển.

Còn nhớ trong trận lũ lịch sử 2010, vùng Tân Hóa nước đã ngập cao tới 10m. Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tân Hóa được xây dựng 2 tầng, thế nhưng đợt lũ này nước đã ngập lên hết trần tầng 2. 

Cũng trong trận lũ này, một ca “vượt cạn” của một sản phụ khiến cả vùng ai cũng lo. Nhớ lại trận lũ lịch sử 2010 ông Bùi Anh Tấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa chia sẻ: “ Khi lũ về, UBND xã Tân Hóa đã đưa sản phụ về ở trên tầng 2 trụ sở làm việc của ủy ban cùng một cán bộ y tế, không ngờ lũ lên ngập gần hết cả tầng 2. Phải điều ca nô đến để đưa sản phụ vào viện, sinh nở an toàn”.

Hộ nghèo cũng phải có nhà nổi.

Từ bao đời nay, người dân Tân Hóa vẫn sống chung hiền hòa cùng từng đợt lũ lên. Trong dân gian cũng tồn tại nhiều “sáng chế” độc đáo, ứng dụng cho vùng đất Tân Hóa để phòng, chống lũ lụt. Chẳng hạn như, kết nhà bè bằng cây chuối, cây mét, xây nhà có chạn…; Nước lên đến đâu, di dời tài sản đến đó, tất cả lên bè chuối, bè nứa lên chạn nhà….

Chân thành mời cơm khách ngồi ăn bữa cơm trưa cùng gia đình, ông Cao Xuân Diệu ở xóm Bãi Lội, thôn Cố Liên, xã Tân Hóa, phấn khởi nói: "Nhà ông mệ (ông bà- pv) mới được tặng nhà nổi, có mái che, tôn vách chắc chắn lắm. Mùa lũ năm nay đỡ lo, khỏi phải lênh đênh bè chuối….".

Kết cấu nhà nổi của người dân ở Tân Hóa làm bằng thép, có hệ thống thùng phi ở đáy nhà, mái che và vắch ngăn làm bằng tôn
Kết cấu nhà nổi của người dân ở Tân Hóa làm bằng thép, có hệ thống thùng phi ở đáy nhà, mái che và vắch ngăn làm bằng tôn

Sau trận lũ lịch sử năm 2010 có một “sáng chế” mới đó là làm nhà nổi, sáng chế này rất phù hợp cho vùng đất này. Không biết ai là chủ nhân của “sáng chế” này, nhưng đây là một sản phẩm rất phù hợp và có tính ứng dụng rất cao. 

Nhà nổi phù hợp đến nỗi cả xã Tân Hóa có 600 hộ dân, thì có tới 500 nhà nổi (trừ hộ không bị lũ không xây nhà nổi). Hộ nghèo cũng có thêm một ngôi nhà nổi để chống lũ, phòng thân!

Nhà nổi được kết cấu bằng khung sắt, có mái che và tôn ngăn vách, phía giới có hệ thống thùng phi, có cột định vị (cố định). Khi nước lũ lên, nhà nổi gắn với cột định vị, bởi hệ thống trợt cũng theo đó mà nổi lên. 

Sau trận lũ lịch sử năm 2010, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa, cũng đã có chính sách hỗ trợ nhà nổi cho người dân để ứng phó với lũ. Bên cạnh đó, nhiều nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện cũng đã về đây xây nhà nổi cho Nhân dân. Đến nay, 100% số hộ dân trong vùng thường xuyên bị lũ ngập đều đã có nhà nổi để phòng thân.

“Từ ngày có nhà nổi mọi người bớt lo hơn khi lũ về. Năm 2019 và năm 2020 lũ về, cả vùng này nhà nào cũng ngập, may có nhà nổi nên đỡ thiệt hại”, anh Trương Văn Luận, người dân ở xóm 1, xã Tân Hóa tâm sự.

Mô hình nhà nổi ở xã Tân Hóa phát huy hiệu quả, chúng tỏ được tính cơ động, hiệu quả trong việc phòng chống lũ cho bà con. Từ đó, nhiều nơi đã học tập và triển khai xây dựng nhà nổi chống lũ ở những vùng ngập lụt như vùng Năm Nam, huyện Nam Đàn (Nghệ An); huyện Hương Khê, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)….

Khi ánh mặt trời  rực lửa đã khuất, bóng của dãy đá vôi phía Tây đã ôm trọn lấy Tân Hóa. Trên con đường bê tông dẫn ra đường lộ, ngoái đầu nhìn lại vùng "rốn lũ", chúng tôi bất giác tự hỏi, sao tạo hóa lại khéo sắp đặt. Hình ảnh Tân Hóa mênh mông trong biển nước và những ngôi nhà nổi trông thật chông chênh, bé nhỏ… thoáng qua.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.