Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nhà Thái học Điêu Văn Thuyển với tình yêu văn hóa dân tộc

Hà Minh Hưng - 16:58, 26/03/2023

Với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc Thái, ông đã dành hơn nửa cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán dân tộc Thái (ngành Thái trắng) vùng Pa So. Ông là Nghệ nhân Điêu Văn Thuyển - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam.

Tuy tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Điêu Văn Thuyển vẫn miệt mài sưu tầm, biên soạn, truyền dạy chữ Thái.
Tuy tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Điêu Văn Thuyển vẫn miệt mài sưu tầm, biên soạn, truyền dạy chữ Thái.

Đón chúng tôi ở đầu cầu Pa So, trong trang phục truyền thống và nụ cười hào sảng, Nghệ nhân Điêu Văn Thuyển mời chúng tôi về căn nhà nhỏ tại thôn Hữu Nghị (thị trấn huyện Phong Thổ). Đây cũng là địa chỉ quen thuộc hằng tuần của các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa dân gian, dân tộc Thái trong những buổi giao lưu sinh hoạt, trao đổi văn hóa.

Lần giở lại những bức ảnh đen trắng đã hoen màu thời gian, Nghệ nhân Điêu Văn Thuyển kể về những câu chuyện ngày trước của mình. Ông bảo, thuở bé, thường xuyên được theo cha đi xem thực hành các nghi lễ của bản, của mường nên ông đã được tiếp cận với các cuốn sách Thái cổ. Ban đầu chỉ là thích thú, rồi ông cảm thấy "say dần" mỗi khi  hiểu thêm được một giá trị văn hóa truyền thống của cha ông mình.

Lớn lên, ông chọn nghề sư phạm để dạy chữ cho con em dân tộc mình. Ngoài giờ lên lớp, ông tranh thủ vào bản gặp gỡ, trao đổi với các thầy cúng, các bậc cao niên và cần mẫn ghi chép, sưu tầm những cuốn sách cổ để nghiên cứu, học viết chữ Thái một cách bài bản nhất.

Năm 2005, gia đình ông Điêu Văn Thuyển cùng 40 hộ người Thái ở bản cũ Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa chuyển đến nơi ở mới, tại thôn Hữu Nghị (thị trấn huyện Phong Thổ) theo chương trình di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Thời điểm này, ông được nghỉ hưu nên đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Thái.

Những bản thảo chữ Thái cổ viết tay được ông Thuyển cất giữ như “báu vật”.
Những bản thảo chữ Thái cổ viết tay được ông Thuyển cất giữ như “báu vật”

Nhiều năm ròng rã, ông Thuyển đã đi điền dã, sưu tầm, ghi chép về các giá trị văn hóa của người Thái. Ông kiên trì tìm kiếm các tư liệu từ chính những người già để định hình các giá trị văn hóa nguyên bản. Đến nay, kho sách Thái cổ của ông lên đến gần 30 đầu sách, chủ yếu là các bản ghi chép bằng tay. Có những bản chữ đã mờ, rách mục, ông lại nghiên cứu để chép, dịch lại và bổ sung những chỗ thiếu khuyết. Ông còn dịch và viết sách bằng tiếng Thái. Những đầu sách dịch đã được in, xuất bản và tái bản, như: “Chuyện thơ Khun lúa nàng Ủa”; răn dạy người; “Truyện Trạng nguyên”; “Truyện Phạm Công Cúc Hoa”...

Năm 2011, ông Điêu Văn Thuyển tham gia vào Mạng lưới “Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam” (VTIK). Ông cũng là thành viên trong tổ biên soạn các tài liệu về từ vựng tiếng Thái vùng Mường Lay. Ông cũng đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo về Bảo tồn phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam (do Hội Thái học Việt Nam tổ chức).

 Hàng ngày, ông Điêu Văn Thuyển vẫn miệt mài truyền dạy, chỉ bảo từng động tác múa cho các thành viên trong CLB Bảo tồn văn hóa dân gian, dân tộc Thái).
Hàng ngày, ông Điêu Văn Thuyển vẫn miệt mài truyền dạy, chỉ bảo từng động tác múa cho các thành viên trong CLB Bảo tồn văn hóa dân gian, dân tộc Thái)

Bên cạnh việc bảo tồn chữ Thái cổ, hàng ngày, ông cùng các cụ cao niên và những người yêu văn hóa dân tộc chăm chút, gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ qua các lớp truyền dạy, các CLB… Ông chính là người khởi xướng thành lập ra Đội văn nghệ dân gian dân tộc Thái tại thôn Đoàn Kết (thôn giáp ranh với thôn Hữu Nghị). Tiếp đến là thành lập CLB Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết vào năm 2021. CLB có các chuyên ngành như: Văn nghệ dân gian; sử dụng nhạc cụ dân tộc; chế tác nhạc cụ; nghề truyền thống; ẩm thực người Thái.

Ông Điêu Văn Sượng - Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái chia sẻ: “Dù tuổi đã cao nhưng vào các ngày cuối tuần hay những đêm trăng, bác Thuyển vẫn đều đặn đến tập luyện, chỉ bảo từng động tác, nhịp điệu, lấy lời cho các thành viên trong CLB. Nhiều ca khúc được ông làm mới, bà con ai cũng thích và thuộc lòng như ca khúc “Việt Nam quê hương tôi”, “Tình ca Tây Bắc”, “Inh lả ơi”… Các bài hát được chuyển thể hát song ngữ trên nền nhạc dân tộc chủ yếu là tính tẩu và sáo trúc”.

Để những tác phẩm văn học dân gian dân tộc Thái được hoàn chỉnh hơn, ông Thuyển thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các cao niên, những người yêu văn hóa dân gian dân tộc Thái trong công tác sưu tầm biên soạn.
Để những tác phẩm văn học dân gian dân tộc Thái được hoàn chỉnh hơn, ông Điêu Văn Thuyển (người thứ hai từ trái sang) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các cao niên, những người yêu văn hóa dân gian dân tộc Thái trong công tác sưu tầm biên soạn

Bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cũng khẳng định: Nghệ nhân Điêu Văn Thuyển có vai trò quan trọng trong việc tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Nhờ những những lớp người như bác Thuyển, mà sợi dây kết nối cộng đồng bớt phần lơi lỏng, để nhịp điệu dân ca còn ngân mãi, những điệu xoè vẫn rạo rực trong những mùa lễ hội...”.

Với những đóng góp không nhỏ cho văn hóa dân tộc, tháng 9/2022, nghệ nhân Điêu Văn Thuyển vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. 

Tin cùng chuyên mục
Chàng trai người Tày gieo niềm tin cho người trồng chè ở Phú Lương

Chàng trai người Tày gieo niềm tin cho người trồng chè ở Phú Lương

Ôn Lương là xã miền núi của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có 80% là người Tày sinh sống. Có một chàng trai là niềm tự hào của người dân nơi đây– anh Tống Văn Viện (sinh năm 1987)! Anh đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, giúp bà con mở hướng phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu từ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.