Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Nhận diện khó khăn đặc thù của những dân tộc rất ít người: Chất lượng dân số là vấn đề cấp bách (Bài 1)

Cù Hương- Sỹ Hào - 10:45, 04/11/2023

LTS: Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025, cả nước có 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc xác định những dân tộc có khó khăn đặc thù, là cơ sở để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, phát triển dân số,… bảo đảm nhất quán nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” của Đảng, Nhà nước ta.

Ngoài sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, các dân tộc có khó khăn đặc thù, còn có đặc điểm là có dân số dưới 10.000 người (dân tộc rất ít người). Mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án được lồng ghép triển khai nhằm phát triển các dân tộc rất ít người, nhưng hiện việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc này vẫn đang là vấn đề cấp bách.

Dân số dân tộc Lô Lô tăng từ 4.314 người (năm 2015) lên 4.827 người (năm 2019).
Dân số dân tộc Lô Lô tăng từ 4.314 người (năm 2015) lên 4.827 người (năm 2019).

Những chỉ số đáng lo ngại

Các DTTS rất ít người cư trú tập trung tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước và luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người khi tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 - 4 lần so với các nhóm dân tộc khác; thu nhập bình quân đầu người chỉ từ 400.000 - 800.000 đồng/tháng/năm. Tỷ lệ số người không biết đọc, biết viết, tái mù chữ vẫn còn chiếm cao. Tình trạng này đã và đang dẫn đến mất cân đối giữa vùng miền núi dân tộc với các vùng khác, trong đó có vấn đề mất cân đối với phát triển dân số.

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, nước ta có 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, gồm: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt. Hiện nhóm dân tộc này chiếm khoảng 0,55% dân số trong cộng đồng các DTTS và khoảng 0,08% dân số toàn quốc.

Tại buổi họp báo chiều 23/10/2023 thông tin về Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I năm 2023 (diễn ra từ ngày 3-5/11 tại Lai Châu), bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong nhóm các DTTS ít người, thì có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người, gồm: Ơ Đu (428 người), Brâu (525 người), Rơ Măm (639 người), Pu Péo (903 người), Si La (909 người). Nguy cơ biến mất của tộc người luôn hiện hữu khi mà chất lượng dân số ở các nhóm DTTS này rất thấp, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn.

Mức độ cấp bách về thực trạng dân số ở các dân tộc ít người đã được “phác họa” rất rõ trong Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 – 2030”, được phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chỉ số đáng quan ngại về chất lượng dân số của các nhóm DTTS này đã được xác lập, như: Tuổi thọ trung bình của DTTS rất ít người chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước; tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) cũng rất thấp (chiều cao trung bình là 1m40 - 1m55, cân nặng trung bình 40 - 45kg)…

Dân số dân tộc Ngái tăng từ 999 người (năm 2015) lên 1.649 người năm 2019. (Trong ảnh: Lễ hội Kỳ Yên cầu mưa thuận gió hòa của dân tộc Ngái)
Dân số dân tộc Ngái tăng từ 999 người (năm 2015) lên 1.649 người năm 2019. (Trong ảnh: Lễ hội Kỳ Yên cầu mưa thuận gió hòa của dân tộc Ngái)

Đáng chú ý là tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em các DTTS rất ít người. Theo kết quả điều tra, cân nặng trẻ sơ sinh đủ tháng đạt chuẩn là khoảng 2,9 - 3,8kg/trẻ. Ghi nhận trên cả nước, tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới cân nặng này chỉ khoảng 5,7%, nhưng với các DTTS rất ít người, trẻ sơ sinh có cân nặng dưới tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ 8,1%. Một số nhóm DTTS ít người có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD ở mức cao là dân tộc Chứt 40%, Si La 21,7%; Bố Y 35%; La Ha 20%; Brâu, Rơ Măm 29,87%; Lô Lô 16,91%; Ơ Đu 12%... 

Nguy cơ suy giảm dân số

Theo Gs.Ts. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, từ năm 1993, Đảng ta đã đưa ra quan điểm: Công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề xã hội hàng đầu của nước ta; là giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, năm 2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Liên quan đến vùng DTTS và miền núi, Nghị quyết số 21-NQ/TW xác định mục tiêu: “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người”.

Với nỗ lực của của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc rất ít người đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015 và năm 2019 do Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện đã cho thấy, sự gia tăng dân số ở những dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Đơn cử, dân tộc Ngái đã tăng từ 999 người (năm 2015) lên thành 1.649 người (năm 2019); dân tộc Lô Lô từ 4.314 người (năm 2015) lên thành 4.827 người (năm 2019);…

Nhưng đây cũng chỉ mới là kết quả bước đầu trong gia tăng dân số cơ học ở các dân tộc rất ít người. Nguy cơ suy giảm dân số vẫn luôn hiện hữu bởi ở những cộng đồng dân tộc ít người vẫn tồn tại nhiều hủ tục trong sinh hoạt, cùng với điều kiện kinh tế còn khó khăn, thói quen chăm sóc sức khỏe, chăm sóc bà mẹ và trẻ em,… còn hạn chế.

Các chuyên gia về dân số học đã chỉ ra, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ trẻ DTTS bị SDD cao do tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn… dẫn tới hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, SDD từ trong bụng mẹ, mắc bệnh, chất lượng giống nòi suy thoái. Cùng với đó, khẩu phần ăn của người dân không hợp lý, trẻ không được ăn đủ bữa tối thiểu; để trẻ ăn bổ sung không đúng độ tuổi, trẻ sinh nhẹ cân, khoảng cách sinh ngắn; trẻ bị thiếu máu…

Thăm khám sức khẻo cho đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: S.H)
Thăm khám sức khẻo cho đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: S.H)

Nỗ lực bảo vệ, phát triển dân số

Theo TS. Nguyễn Thanh Tuấn, thành viên Chương trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ do Alive & Thrive hỗ trợ tại Việt Nam, trẻ em DTTS có tỷ lệ SDD cao là do thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa hợp lý. Kết quả điều tra ban đầu của Alive & Thrive gần đây nhất, tại 11 tỉnh cho thấy, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của trẻ em các dân tộc còn thấp (khoảng từ 4 - 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở DTTS (khoảng từ 33-52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguyên nhân là do học vấn của bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa.

Nhằm giải quyết tình trạng này, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Với chương trình này, đối tượng là trẻ em DTTS sẽ chiếm một phần không nhỏ. 

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2020, phê duyệt Đề án “Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2025” nhằm triển khai chuỗi hoạt động, từ vận động nguồn lực đến hình thành mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) của đồng bào các DTTS rất ít người rất thấp. (Trong ảnh: Đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum - Ảnh: S.H)
Tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) của đồng bào các DTTS rất ít người rất thấp. (Trong ảnh: Đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum - Ảnh: S.H)

Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), ngoài Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thì Chương trình dành riêng một dự án (Dự án 9) để đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người. Trong Dự án 9, một nội dung rất quan trọng là hỗ trợ bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có khó khăn đặc thù.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi được chăm sóc y tế và bảo đảm dinh dưỡng cần thiết để phát triển; đồng thời xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản đông đồng bào các DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung… Cùng với các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn văn hóa truyền thống,…, việc triển khai Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề cấp bách là bảo vệ và phát triển dân số của các DTTS rất ít người.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.