Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhiều hộ dân ở Cúc Phương đang làm giàu từ nghề nuôi hươu

Hồng Minh - 19:02, 10/01/2021

Với những lợi thế như: Khí hậu, thức ăn, kinh nghiệm chăm sóc...những năm gần đây nhung hươu mang thương hiệu “Cúc Phương” được khách hàng , người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, do đó nhiều hộ dân nơi đây đang có cơ hội trở thành hộ khá giả từ nghề nuôi hươu. Nếu có dịp đến xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) vào thời điểm từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 âm lịch năm sau, chúng ta sẽ chứng kiến hình ảnh những gia đình nuôi hươu ở đây cắt lộc nhung hươu.

Đàn hươu của một hộ dân trong xã
Đàn hươu của một hộ dân trong xã

Dẫn chúng tôi ra khu chuồng trại của gia đình, anh Bùi Văn Tuyên, thôn Nga 2 giới thiệu về những con hươu được nuôi lấy nhung. Anh Tuyên cho biết, thường thì những con hươu đến tuổi lấy nhung được nuôi từ vài năm trở lên, ở độ tuổi trưởng thành.

Trước đây, gia đình anh Tuyên chỉ nuôi mấy con bò để xuất bán hàng năm, nhưng thấy nhiều hộ nuôi hươu cho thu nhập khá hơn, lại hợp khí hậu, dễ nuôi nên anh đã đi học tập mô hình nuôi hươu để về áp dụng. “Mới đầu, gia đình nuôi có 2 con, sau đó có vốn mình mới mở rộng dần. Sau hơn chục năm nuôi hươu lấy lộc, nay gia đình tôi đã duy trì đàn hươu đực 14 con, tất cả đều đang ở tuổi cho lộc hươu,” anh Tuyên chia sẻ. Với đàn hươu của mình, gia đình anh Tuyên có thể thu về khoảng 150 triệu đồng trong vụ thu hoạch lộc hươu năm nay.

Theo anh Tuyên, nuôi hươu không khó, chỉ cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại, chạy nhảy. Điều quan trọng, là phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho hươu, có 8 loại lá rừng mà hươu thường ăn, trong đó phải có một số lá cây mà loài hươu yêu thích như lá sung, lá vải… để bảo đảm đủ thành phần dinh dưỡng cho hươu nhanh lớn, phát triển khỏe mạnh. Những loại lá rừng này ở Cúc Phương rất nhiều.

Tìm hiểu về nguồn gốc nuôi hươu của người dân ở đây, ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, năm 1980, Trung tâm bắt đầu nuôi 120 cá thể hươu, phần lớn trong độ tuổi khai thác nhung, tuy nhiên, thay vì nuôi hươu để lấy thịt như trước, nhiều năm gần đây Trung tâm đã chuyển hướng nuôi hươu để lấy nhung, vừa để phát triển ngành nghề, vừa để bảo tồn những nguồn gen quý.

“Nhiều năm nay, ngoài khu vực chăn nuôi tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, các hộ dân xung quanh cũng mua hươu giống về nuôi tại gia đình,với giá dao động từ 5 đến 6 triệu đồng/con hươu 5 tuổi. Tuy nhiên, để phát triển đàn hươu cũng như phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung tại địa phương, cần có chính sách khuyến nông hợp lý và mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi”, ông Thủy cho biết thêm.

Được biết, hiện toàn xã Cúc Phương có hơn 200 hộ nuôi hươu, với tổng đàn trên 500 cá thể hươu, 80% trong số đó đang ở trong độ tuổi trưởng thành. Nhẩm tính với số lượng hươu như hiện nay, người dân Cúc Phương có thể thu về khoảng 5 tỷ đồng từ khai thác nhung hươu.

Hươu cho lộc 1 lần/năm với số lượng khoảng 7 lạng nhung/con, cá biệt có con hươu cho hơn 1kg nhung/năm. Hiện tại, nhung hươu được bán tại Cúc Phương có giá dao động từ 1,6 triệu đến 2 triệu đồng/lạng, một con hươu bình quân cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/năm.

Ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, tại Cúc Phương nhiều năm nay còn có nghề thu hái lá rừng cho hươu. Thường thì mỗi con hươu trưởng thành ăn hàng chục kg lá/ngày, do đó nhiều gia đình chăn nuôi quy mô lớn hàng chục con đã tính đến phương án trồng thêm cây cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho hươu. Nhiều năm nay, nhờ giá lộc hươu luôn ổn định nên nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Đặc  biệt không ít hộ khó khăn đã trở thành hộ khá giả, với thu nhập hằng năm đạt từ 100 tiệu đến 200 triệu đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.