Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại 5 năm triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW: Son sắt một niềm tin (Bài cuối)

Sỹ Hào - 19:00, 14/04/2023

Với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có những chuyển biến quan trọng. Những thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là trong thực hiện chính sách dân tộc, đã góp phần tăng cường sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer vào các chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Phát huy vai trò đội ngũ cốt cán

Trong Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, Ban Bí thư khóa XII yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức sắc; phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer.

Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những giải pháp được Ban Bí thư đặt ra là tập trung hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer (được thành lập năm 2006). Với nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng hành của doanh nghiệp, đầu năm 2019, Khu Hiệu bộ của Học viện Phật giáo Nam Tông đã được xây dựng trên diện tích 6,7 ha tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ; kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 29 tỷ đồng, do Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND TP. Cần Thơ hỗ trợ. Khu Hiệu bộ gồm 3 tầng, có 24 phòng chức năng và 12 phòng học, 28 phòng ngủ. Đến tháng 5/2020, Học viện tiếp tục được đầu tư xây dựng Khu Chánh điện; kinh phí xây dựng trụ sở và trang thiết bị do Quỹ Thiện tâm Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã góp phần quan trọng để Học viện Phật giáo Nam Tông bảo đảm việc dạy và học của chư tăng. Số liệu tại Hội thảo “Phát huy vai trò của tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc” tổ chức vào tháng 1/2022 cho thấy, tính từ khóa đầu tiên (2007 - 2011) đến nay, Học viện đã trực tiếp đào tạo hàng nghìn chức sắc; đồng thời đào tạo được hơn 200 tăng sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, góp phần nâng cao trình độ tăng sinh, các vị sư sãi ở các chùa Khmer khu vực Tây Nam Bộ; từ đó thúc đẩy duy trì tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.

Trong chuyến thăm và chúc tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 tại Học viện Phật giáo Nam Tông ngày 2/4, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Học viện cần tiếp tục phát huy, đào tạo quý vị tăng sinh là những tấm gương điển hình để bổ sung vào các cơ quan, ban, ngành góp phần xây dựng đất nước. Trong việc xây dựng, phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Cần Thơ nói riêng và đất nước nói chung, Học viện cần tiếp tục duy trì, gìn giữ và phát triển bản sắc, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả

Bên cạnh Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ, các trường Trung cấp Phật giáo cũng được thành lập ở một số địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer. Riêng tại Sóc Trăng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trường Bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ quy mô lớn; tính đến nay Trường đã đào tạo được 17 khóa, với trên 1.500 tăng sinh.

Nông dân Thạch Tam, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) chăm sóc vụ ớt mới.
Nông dân Thạch Tam, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) chăm sóc vụ ớt mới.

Việc quan tâm thực hiện công tác tôn giáo đã tác động tích cực đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời là điều kiện đủ để triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu trên các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc Khmer là lời phản bác đanh thép đối với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc, tôn giáo, vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ bày tỏ: Sự quan tâm, chăm lo trong mọi lĩnh vực đời sống của Đảng, Nhà nước càng làm tăng thêm niềm tin son sắt, củng cố thêm khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hòa thượng Đào Như cho biết, từ sự quan tâm, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương mà các chư tăng, Phật tử nói riêng và đồng bào Khmer nói chung dần ổn định đời sống. Hòa thượng Đào Như khẳng định, sẽ tiếp tục vận động các vị chư tăng, tăng sinh, đồng bào dân tộc Khmer giữ gìn tiếng nói, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, thực hiện tốt Phật sự, sẵn sàng chung tay đồng hành với dân tộc vượt qua mọi khó khăn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.