Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại công tác giảm nghèo ở Mường Lát

Quỳnh Trâm - 06:31, 26/06/2024

Những năm qua, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới này đang có nhiều khởi sắc.

Mường Lát hiện đang có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả từ sự hỗ trợ của nhà nước
Mường Lát hiện đang có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả từ sự hỗ trợ của Nhà nước

Mường Lát là địa phương có hơn 95% dân số là đồng bào DTTS, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh. Những năm qua, cùng với chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) ở Mường Lát từng bước phát triển, theo đó đời sống của người dân được cải thiện.

Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, kết quả này là từ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhằm tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH và làm cơ sở để Mường Lát vươn lên thoát nghèo. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương theo hình thức “ngân hàng bò” phát huy hiệu quả ở huyện Mường Lát
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương theo hình thức “ngân hàng bò” phát huy hiệu quả ở huyện Mường Lát

Trong đó, huyện cũng xác định phát triển lúa nếp Cay Nọi - một loại lúa nếp đặc sản, cũng là sản phẩm OCOP 3 sao trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó mà đến nay, toàn huyện có khoảng 800 ha trồng lúa nước, thì 600 ha là trồng lúa nếp Cay Nọi. Đây là giống lúa nếp được trồng nhiều nhất ở xã Quang Chiểu, vì thời gian gieo trồng khá dài (khoảng 5 tháng) nên chỉ trồng được 1 vụ, nhưng năng suất, giá thành cao.

Ông Hà Văn Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu cho biết: “Lúa nếp Cay Nọi là giống lúa đặc trưng của địa phương, giá trị giống lúa này cao hơn so với các loại lúa khác, nhờ đó đã nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu cho lúa nếp Cay Nọi, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân”.

Để giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Mường Lát cũng xác định vấn đề quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Giờ đây, đa số người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mỗi người dân đã tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Lúa nếp Cay Nọi, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Lát
Lúa nếp Cay Nọi, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Lát

Điển hình như gia đình chị  Sung Thị Lâu ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được hỗ trợ 1 con bò sinh sản (trị giá 10 triệu đồng) theo Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển KT-XH đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016 - 2020”, đã tạo thêm sinh kế cho gia đình. 

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Đề án, chị Lâu đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã Pù Nhi tổ chức. Sau khi học xong, chị vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để mua giống lúa lai, cây bưởi, cam giống và mua thêm gia súc, gia cầm để mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình chị Lâu đã phát triển đàn bò lên 12 con, hơn 200 con gà, 1 ha xoan, 6 sào lúa và 1 ha mía, mang lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.

Ở Mường Lát hiện đang có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Ví dụ như mô hình nuôi vịt siêu đẻ, nuôi ếch thương phẩm ở xã Mường Chanh do Đoàn KT-QP 5 triển khai. 

Hay mô hình chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương theo hình thức “ngân hàng bò”; mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả, với diện tích trồng cỏ trên 100 ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Quang Chiểu mang lại thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha... 

Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn còn thực hiện nhiều mô hình, chương trình như: “Đảng viên kết nghĩa, đỡ đầu hộ nghèo”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... góp phần giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.

Mường Lát đã, đang được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Người dân ở Mường Lát đã, đang được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát giảm theo từng năm. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 39% (giảm 16,8% so với năm 2021), trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư, từng bước khang trang, đồng bộ.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền, các lực lượng đứng chân trên địa bàn huyện Mường Lát đã có nhiều chính sách, nhiều mô hình thiết thực giúp bà con vươn lên thoát nghèo, tuy nhiên thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về địa hình nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm giảm nhưng vẫn còn tương đối cao.so với mặt bằng chung của tỉnh. Vì vậy, rất cần sự chung tay, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, các ngành trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao này.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.