Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Gỡ "rào cản" để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở khu vực miền núi

Quỳnh Trâm - 05:46, 12/12/2023

Hiện nay, ở địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa, lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia vẫn đang đối mặt với nhiều nan giải, vẫn phải lực bất tòng tâm do thiếu vốn, thiếu giáo viên, đặc biệt là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đảm bảo...

Bài toán về kinh phí 

Tại xã Tam Văn, huyện Lang Chánh,  có 4 điểm trường Tiểu học và 1 điểm trường trung học cơ sở. Hầu hết cơ sở vật chất ở các điểm trường đều xuống cấp nghiêm trọng; các phòng lớp học thiếu thốn, tạm bợ, các điểm lẻ cách xa nhau, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Theo lộ trình trường sẽ được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2025, tuy nhiên rào cản lớn nhất hiện nay của nhà trường, là cơ sở vật chất.

Cơ sở vật chất ở một số điểm trường huyện Lang Chánh bị xuống cấp nghiêm trọng
Cơ sở vật chất ở một số điểm trường huyện Lang Chánh bị xuống cấp nghiêm trọng

Theo ông Tống Văn Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tam Văn, hiện nay quy hoạch về đất đai để đầu tư điểm trường mới tập trung đã cơ bản hoàn thành. UBND huyện Lang Chánh đã có dự án xây dựng điểm trường mới, dồn các điểm lẻ về để tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên chưa được triển khai. Nhà trường mong muốn, địa phương sớm triển khai dự án để dồn các điểm trường về một nơi, thuận tiện trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, các điểm trường hiện cơ sở vật chất thiếu; có điểm trường nằm trong vùng ngập lụt; có thời điểm nước dâng cao tính từ móng nhà lên 2,5m, nên mất an toàn cho học sinh; các điểm trường lẻ thiếu thiết bị và các phòng chức năng…

Theo ông Thủy, để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường học phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí, gồm: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội và tiêu chí hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong những tiêu chí trên, khó khăn lớn nhất đối với các huyện miền núi vẫn là huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học...

Ông Cao Bá Châu, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh cho biết, đến tháng 12/2022, toàn huyện có 25/31 trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 80,6%. 

Theo kế hoạch, năm 2023 địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo giao công nhận đạt kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia sau 5 năm đối với 6 trường gồm: Trường mầm non Yên Khương, mầm non Giao An; Trường Tiểu học Tân Phúc, Tiểu học Thị trấn 2; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Giao An. Kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia mới đối với trường Tiểu học Lâm Phú.

Nhiều trường học ở Thanh Hóa, đang gặp khó trong xây dựng trường chuẩn quốc gia do cơ sở vật chất đang đầu tư xây dựng
Nhiều trường học ở Thanh Hóa, đang gặp khó trong xây dựng trường chuẩn quốc gia do cơ sở vật chất đang đầu tư xây dựng

Việc xây dựng trường chuẩn với các trường còn lại đang gặp nhiều thách thức về nguồn vốn. Hiện địa phương đang dành nguồn lực tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị các trường còn lại để đáp ứng kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia công nhận vào các năm tiếp theo; phấn đấu hết năm 2023, có 87% tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

Tại huyện Thường Xuân, cũng đối mặt với những khó khăn tương tự. Tại Trường mầm non Xuân Cẩm, năm học này, nhà trường được Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 của huyện giao kế hoạch, trong tháng 11/2023 sẽ được công nhận chuẩn Quốc gia mức độ 1. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nên kế hoạch về đích trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 của trường mầm non chưa thực hiện được.

Cô Lang Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để thực hiện xây dựng trường chuẩn Quốc gia mức độ 1, nhà trường đã được UBND thị trấn và huyện Thường Xuân quan tâm đầu tư hai công trình là nhà hiệu bộ và 4 lớp học. 

Tuy nhiên do khó khăn về nguồn kinh phí nên đến nay, hai dự án vẫn chưa được thực hiện. Hiện nhà trường đang thiếu 4 phòng học nên các nhóm trẻ phải ghép phòng. Các lớp mẫu giáo 3,4 tuổi phải ghép hai nhóm với nhau trong điều kiện phòng học chật hẹp và nhiều hạng mục đã xuống cấp. 

Cùng với đó, trang thiết bị và học của nhà trường cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhà trường đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nhà công vụ và lớp học để nhà trường đủ điều kiện công nhận chuẩn quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Trường mầm non Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân đang phấn đấu xây dựng thành trường chuẩn quốc gia
Trường mầm non Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân đang phấn đấu xây dựng thành trường chuẩn quốc gia

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục

Huyện Thường Xuân hiện có 58 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đến nay đã có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,5%. Năm 2023, huyện được Sở Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ công nhận mới 2 trường, đưa số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia lên 52/58 trường, đạt tỷ lệ 85,2; kiểm tra, công nhận lại 11 trường. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chưa kịp hoàn thiện, nên nhiều trường đã không thể về đích theo đúng kế hoạch đề ra.

Bà Tống Thị Hoa, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân cho biết, nhiều trường học trên địa bàn huyện Thường Xuân vẫn còn thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, thư viện, trang thiết bị dạy và học... Cùng với đó, tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. 

Khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngành giáo dục huyện đang cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn phát huy vai trò tự chủ, năng động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng. 

Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục... phấn đấu đến năm 2025, đưa tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 93,4%.

Mặc dù, các ngành giáo dục, chính quyền các địa phương khu vực miền núi đã quan tâm huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường; tuy nhiên tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia khu vực miền núi vẫn đạt tỷ lệ thấp. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng như các tầng lớp Nhân dân trong công tác huy động nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia khu vực miền núi. 

Bên cạnh việc gỡ "rào cản" từ cơ sở vật chất để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở khu vực miền núi, các nhà trường cũng cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi và đồng bằng.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.