Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 qua lăng kính nhân quyền: Thắng lợi của sự thật và chân lý (Bài cuối)

Sỹ Hào - 06:04, 29/11/2022

Những thành tựu trong bảo đảm quyền con người của Việt Nam, đặc biệt chói sáng trong đại dịch Covid-19, càng khẳng định và nâng cao uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Uy tín, vị thế đó đưa Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Khẳng định vị thế

Ngày 11/10/2022, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ), Việt Nam là 1 trong 14 thành viên mới trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (gồm 47 thành viên). Trước đó, nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên trở thành thành viên của tổ chức liên chính phủ trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Ngay sau khi trúng cử, chia sẻ trên đài phát thanh quốc gia - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho hay: Quyền con người là 1 trong 3 trụ cột của Liên Hợp Quốc, gồm hòa bình, phát triển và quyền con người; Hội đồng Nhân quyền là cơ quan chính của Liên Hợp Quốc để triển khai những đường hướng về quyền con người.

Vì vậy, các nước đều hết sức coi trọng và vận động quyết liệt để tham gia vào cơ chế này. Nhiệm kỳ 2023 - 2025, các thành viên Liên hợp quốc tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý. Trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020, trong đó có Việt Nam (1 nước rút ứng cử vào phút chót).

Việt Nam phải tranh cử quyết liệt với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành 1 trong 4 quốc gia trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ mới. Lại càng khó khăn hơn khi Việt Nam ứng cử muộn nhất trong số các ứng cử viên, hơn nữa vừa ra ứng cử thì gặp hai năm Covid-19. Do đó, điều kiện tiếp xúc và vận động, trao đổi đoàn không có, công tác vận động chỉ được triển khai đầu năm 2022.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, khu vực nông thôn, miền núi đã khoác lên màu áo mới. (Trong ảnh: Một góc thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên)
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, khu vực nông thôn, miền núi đã khoác lên màu áo mới. (Trong ảnh: Một góc thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên)

Vượt qua những thách thức bên ngoài đó, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ mới, với số phiếu 145/193. Lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là uy tín của Việt Nam trong thực thi quyền con người.

Đúng như chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu trên VOV, việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam và đồng thời ghi nhận nỗ lực của Việt Nam, trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua. Đây là nỗ lực rất lớn, là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, và cũng là một trong những nội dung chính trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới.

Đoàn công tác bộ, ngành Trung ương do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông làm Trưởng đoàn, trước phiên làm việc dự thính phiên bảo vệ thứ nhất của Botswana tại Khóa họp thứ 108 của Ủy ban Công ước CERD.
Đoàn công tác bộ, ngành Trung ương do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông làm Trưởng đoàn, trước phiên làm việc dự thính phiên bảo vệ thứ nhất của Botswana tại Khóa họp thứ 108 của Ủy ban Công ước CERD.

Việc bầu chọn cho Việt Nam đã chứng minh, các quốc gia trên thế giới tin tưởng Việt Nam - với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, sẽ tiếp tục là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc- lời chúc mừng Việt Nam của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ông Daniel Kritenbrink, tại buổi họp báo chiều 12/10/2022. Mỗi lá phiếu của các quốc gia bầu chọn Việt Nam đã trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái của các lực lượng thù địch phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thúc đẩy thực thi Công ước CERD

Một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, là những nỗ lực phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, với chính sách nhất quán là, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Trong quá trình thực hiện Công ước CERD, Ủy ban Dân tộc đảm nhận là cơ quan đầu mối phụ trách Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và chuẩn bị Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD. Kể từ khi tham gia Công ước CERD, Việt Nam đã có 4 lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Năm 2022, Việt Nam lần thứ 5 thực hiện Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD. Ngày 21/11/2022, Đoàn công tác các bộ, ngành Trung ương do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông làm Trưởng đoàn đã đến Geneva (Thụy Sĩ) để bảo vệ Báo cáo quốc gia tại Ủy ban Công ước quốc tế.

Thực hiện chính sách nhất quán này, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Công ước CERD) từ năm 1981. Tham gia Công ước CERD, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền của các DTTS (giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…).

Số liệu từ Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cung cấp tại Hội nghị thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10/2022 cho thấy, hiện 98,4 % xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3 - 4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 %.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác động đến mức thấp nhất. Trong một tài liệu thảo luận chính sách công bố hồi tháng 8/2021, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những khó khăn ở vùng DTTS và miền núi trong mọi lĩnh vực, từ an ninh lương thực, sinh kế, lao động - việc làm, thu nhập; chăm sóc sức khỏe định kỳ (tiêm chủng, khám thai, chăm sóc và cung cấp thuốc cho những người bị bệnh mãn tính); cho đến giáo dục, văn hóa, xã hội.

Đời sống của đồng bào các DTTS được nâng lên; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy. (Trong ảnh: Múa xòe của đồng bào dân tộc Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại)
Đời sống của đồng bào các DTTS được nâng lên; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy. (Trong ảnh: Múa xòe của đồng bào dân tộc Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại)

“Đối mặt với đại dịch Covid - 19, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp chủ động, toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid - 19, đồng thời hỗ trợ duy trì sản xuất và ổn định đời sống của người dân. Cụ thể, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 gồm người bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm; không đảm bảo mức sống tối thiểu; đồng thời hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương thuộc các tỉnh miền núi, Tây Nguyên - là địa bàn tập trung nhiều đồng bào DTTS, tới 70% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này”, UN Women khẳng định.

Rõ ràng, việc thực thi hiệu quả, đồng bộ những chính sách bảo đảm quyền của người DTTS trong thời gian qua đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thuận xã hội được nâng lên, khối Đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trong đó có việc bảo đảm quyền của các DTTS sẽ tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục tăng lên là yếu tố nền tảng đề hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).

Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này; tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xoá bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế. Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như: Về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ,…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên Hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hoá, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

Các nội dung trên tiếp tục nằm trong các ưu tiên, định hướng cho tham gia của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, như thể hiện trong các cam kết tự nguyện khi ứng cử mà Việt Nam gửi tới Liên Hợp quốc theo quy định của Đại hội đồng.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.