Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại việc triển khai Nghị quyết “Tam nông”: Thách thức và cơ hội mới cho vấn đề "Tam nông" (Bài 2)

Thúy Hồng - 15:54, 01/07/2021

Nghị quyết về “Tam nông” đã tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, hiện nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược mang tầm vĩ mô để phát triển bền vững.

Người dân thu hoạch quế ở Trấn Yên, Yên Bái.
Người dân thu hoạch quế ở Trấn Yên, Yên Bái.

Bừng sáng “bức tranh” nông thôn

Trước đây vùng đất Ba Chẽ, nơi có trên 80% dân số là đồng bào DTTS được biết đến bỡi nhiều cái “không”: Không đường bê tông, không điện, không trường học kiên cố, không chợ, không có hệ thống thuỷ lợi. Cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề…

Đặc biệt là khi bắt đầu xây dựng NTM, các xã chỉ đạt bình quân 11/20 tiêu chí. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn ở mức 34,7% và 16,4% hộ cận nghèo, cao so với các địa phương khác. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, chỉ 17,5 triệu đồng/người/năm.

Ngay khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Chẽ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Sức lan tỏa của nghị quyết “Tam nông” đã thực sự tạo phong trào thi đua sôi nổi từ các ban, ngành, đoàn thể đến xã, thôn. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được hình thành và nhân rộng giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, giảm nghèo bền vững.

Theo bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ba Chẽ, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cùng tinh thần vươn lên từ nội lực của người dân, Ba Chẽ đã bứt phá mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn các xã ĐBKK nhanh chóng đổi thay; các tuyến đường giao thông được bê tông hóa; trường học, trạm y tế, chợ… được đầu tư khang trang; ý thức vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo của người dân chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 48% năm 2010 xuống còn 12% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 39 triệu đồng/người năm, tăng 20 triệu đồng so với 2015. Huyện cũng đã hoàn thành Chương trình 135, đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình đã xác định.

Còn tại Yên Bái, qua 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW tỉnh đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm nông, lâm nghiệp. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay bộ mặt nông thôn Yên Bái có nhiều khởi sắc là 7/14 tỉnh miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu xây dựng NTM trước một năm theo kế hoạch. Số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh 75 xã, chiếm 50% tổng số xã.

Sản xuất nông nghiệp đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: quế Văn Yên; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, cam của huyện Văn Chấn...

Lão nông Hoàng Kim Hạp ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên phấn khởi nói: Nhờ chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển nhanh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Vui nhất là đường làng mở rộng, con cháu được học trong hành trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp.

Xây dựng NTM đã biến những vùng quê nghèo trở thành “những miền quê đáng sống” (Một góc Bản Là Ngà 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La).
Xây dựng NTM đã biến những vùng quê nghèo trở thành “những miền quê đáng sống” (Một góc Bản Là Ngà 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La).

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã làm thay đổi đáng kể cả trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với vấn đề “Tam nông”. Đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo ra bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam; vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét; sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

Thời kỳ mới cho "Tam nông"

Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển “Tam nông”, tuy nhiên, trong đổi mới và phát triển, nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ đòi hỏi phải tỉnh táo nhận diện và có giải pháp chiến lược, mang tầm vĩ mô để giải quyết, cả trước mắt và lâu dài.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng NNPTNT: Hiện nay, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn: là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu; nền nông nghiệp chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Thách thức thứ ba là là chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với nền tảng cơ bản là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Khi tham gia các FTA có nghĩa chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, nếu như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì sẽ có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, trình độ phát triển logistics, trình độ quản trị của chúng ta chưa hoàn thiện, đây là những thách thức lớn chúng ta phải đối mặt.

Trước những khó khăn, vướng mắc này, thực hiện triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/08/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng... Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 đến 3,0%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm…

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được Đảng ta nhấn mạnh và nêu rõ, trong đó có những nội dung quan trọng như: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.