Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Nhỏ to Việt Nam”

Hồng Minh - 11:11, 22/08/2020

Người Việt Nam hầu như ai cũng từng nghe cụm từ “54 dân tộc anh em”, nhưng bao nhiêu người trong số đó hiểu biết hoặc đơn giản là đọc được tên hoặc nhận dạng được hình ảnh 54 dân tộc? Câu trả lời là không nhiều. Đó là điều trăn trở, thôi thúc Nguyễn Minh Ngọc, một chàng trai trẻ người Việt đang sống và làm việc tại Singapore bắt tay thực hiện dự án giới thiệu văn hóa Việt Nam qua Emoji (biểu tượng cảm xúc) có tên “Nhỏ to Việt Nam”.

Nguyễn Minh Ngọc tác giả của dự án “Nhỏ to Việt Nam”
Nguyễn Minh Ngọc tác giả của dự án “Nhỏ to Việt Nam”

Dự án “Nhỏ to Việt Nam” đã được Minh Ngọc hình thành ý tưởng từ tháng 12/2019, nhưng phải đến cuối tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Singapore, Ngọc mới có nhiều thời gian đầu tư thực hiện Dự án này.

Phần đầu tiên của Dự án là bộ Emoji “54 dân tộc anh em”. Đó là hình ảnh trang phục truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam. Minh Ngọc cho biết, hiện nay mọi người sử dụng Emoji đã trở nên rất phổ biến. Emoji là các chữ tượng hình hoặc mặt cảm xúc xuất hiện trong các tin nhắn điện tử và trang Website. Tuy nhiên, riêng Việt Nam ở trên bảng Emoji lại chỉ có duy nhất hình cờ đỏ sao vàng để nhận diện, vì vậy Ngọc muốn làm gì đó để thêm dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ Emoji toàn cầu, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

“Emoji nhìn khá đáng yêu và gần gũi. Đấy chính là yếu tố mới lạ, thú vị để mọi người tò mò, khám phá. Tương lai nó có thể là biểu tượng để bình luận trên mạng xã hội. Song hướng khai thác chính của Dự án “Nhỏ to Việt Nam” là nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu về hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam. Theo đó, người xem chỉ cần nhấn vào từng hình ảnh sẽ cho ra thông tin liên quan, qua đó mọi người sẽ hiểu biết hơn về truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.

Để có được những thông tin, hình ảnh chính xác, đầy đủ về 54 dân tộc ở Việt Nam, Minh Ngọc tham khảo từ các nguồn chung nhất là Google, nhưng ở đây, thông tin khá rải rác. Trong quá trình thực hiện, Minh Ngọc đã tìm hiểu thêm một số nguồn đáng tin cậy như: Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc; cuốn sách “Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam” (1997) của Nguyễn Văn Huy; Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đặc trưng cơ bản của DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê. Ngoài ra còn có nguồn của Ban Dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV4) và một số báo địa phương.

“Mặc dù tham khảo nhiều kênh thông tin, nhưng trong quá trình thu thập thông tin, mình phải đối chứng, kiểm tra chéo rất nhiều. Có những dân tộc quá nhiều tư liệu như dân tộc Kinh, Thái, Mông, Chăm... Có những dân tộc lại quá ít thông tin, hay tên gọi của một dân tộc lại có nhiều cách gọi khác nhau; thậm chí dùng sai hình ảnh dân tộc vì khi đọc kỹ đoạn miêu tả về trang phục dân tộc, mình đã phát hiện ra tên dân tộc này hoàn toàn không khớp với hình ảnh...”, Minh Ngọc chia sẻ.

Hình ảnh trang phục 54 dân tộc được Nguyễn Minh Ngọc minh họa bằng những biểu tượng cảm xúc. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hình ảnh trang phục 54 dân tộc được Nguyễn Minh Ngọc minh họa bằng những biểu tượng cảm xúc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong quá trình thực hiện Dự án, sự đa dạng trong văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc đã mang lại cho Minh Ngọc nhiều sự ngạc nhiên. Ngọc chia sẻ, khi nói đến trang phục dân tộc, chúng ta tưởng tượng ngay ra màu sắc, hoa văn của người Mông, người Dao, người Thái... vì nó xuất hiện trên phương tiện truyền thông khá nhiều. Nhưng có những trang phục nhiều người không nghĩ là của Việt Nam, như dân tộc Bố Y nổi bật với màu áo bạc hà xanh, đội khăn có hoa; dân tộc Lô Lô lại đặc trưng với hoa văn tam giác ngang ngực ghép vào nhau, khác hẳn với hoa văn trang trí đường viền của các dân tộc khác…

Sau 4 tháng thực hiện Dự án, bộ Emoji “54 dân tộc anh em” của Nguyễn Minh Ngọc đã nhận được sự quan tâm, yêu thích của nhiều người. Xét ở một khía cạnh nào đó, bộ Emoji của Minh Ngọc vẫn còn một số chi tiết chưa chuẩn xác so với thực tế, tuy nhiên đến nay, Minh Ngọc vẫn đang nhận được những góp ý từ những người DTTS trong nước để tiếp tục hoàn thiện Dự án của mình.

“Chính những điều đó tiếp sức cho mình khả năng tiếp thu và lan tỏa văn hóa Việt Nam cho nhiều người hơn nữa, tự tin đi đến cùng với kế hoạch sắp tới - bắc một “cây cầu” văn hóa, dùng những thứ nhỏ bé để truyền tải thông điệp lớn hơn”, Minh Ngọc tâm sự.

Được biết, Dự án “54 dân tộc anh em” chỉ là một phần trong Dự án “Nhỏ to Việt Nam” của Nguyễn Minh Ngọc. Hiện, Minh Ngọc đang lên kế hoạch làm thêm các bộ Emoji về món ăn, danh lam thắng cảnh, nhạc cụ và các ngành nghề đặc trưng ở Việt Nam...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.