Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những bất cập trong mô hình giảm nghèo ở Tây Trà

PV - 09:59, 24/06/2019

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Tuy nhiên, tại huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng sản xuất nên hiệu quả chưa cao.

Mô hình trồng rau vườn nhà của chị Hồ Thị Đức phát huy hiệu quả, cần nhân rộng. Mô hình trồng rau vườn nhà của chị Hồ Thị Đức phát huy hiệu quả, cần nhân rộng.

Nhiều mô hình “chết yểu”

Từ các Chương trình 30a, 135 và các dự án giảm nghèo khu vực miền Trung-Tây Nguyên,… huyện Tây Trà được đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo sinh kế và thoát nghèo. Thế nhưng, nhiều mô hình được triển khai khi đến tay người dân thì thất bại, hàng tỷ đồng của Nhà nước trôi sông đổ biển.

Cuối năm 2016, gia đình anh Hồ Văn Xoay thuộc diện hộ nghèo được cấp 10 con thỏ giống để phát triển chăn nuôi. Anh Xoay học cách chăm sóc nhưng không hiểu sao, sau gần 3 tháng, đàn thỏ chết dần. Nhiều hộ nghèo trong thôn Gò Rô được cấp thỏ như gia đình anh Xoay cũng đứng ngồi không yên. Hơn 50 triệu đồng, hàng chục con thỏ giống từ dự án giảm nghèo tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà coi như mất trắng.

Năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Tây Trà (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Trà) thí điểm mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ chứa nước Nước Trong tại xã Trà Xinh. Ông Đinh Văn Nay, Chủ tịch UBND xã Trà Xinh cho biết: “Có 16 hộ tham gia nuôi cá với 6 lồng bè, diện tích 24m2/lồng, nuôi cá điêu hồng, cá trê. Sau 5 tháng nuôi, thu hoạch và xuất bán khoảng 15 tấn cá, thế nhưng, chỉ thu hoạch được 1 lần, mô hình kết thúc giao lại cho dân thì không hộ dân nào tái đầu tư, đến nay chỉ còn 1 hộ bám trụ với 4 lồng bè tại hồ”.

Còn tại xã Trà Phong, trong hai năm 2017-2018, ngành Nông nghiệp huyện Tây Trà đã triển khai mô hình trồng rau sạch. Mô hình này phát triển rất tốt, sản phẩm của người dân đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, khi kết thúc mô hình, không có sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân cũng bỏ luôn...

Vì đâu nên nỗi?

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tây Trà, tiềm năng phát triển nuôi cá tại huyện Tây Trà là có cơ sở, đặc biệt là hồ chứa nước Nước Trong và thủy điện Sông Riềng có khả năng nuôi trồng thủy sản lớn; tuy nhiên địa hình phức tạp nên rất khó khai thác, mùa khô thì nguồn nước cạn kiệt... Không chỉ các mô hình nuôi cá mà các mô hình trồng rau, làm lúa nước cũng gặp khó khăn khi nhân rộng.

Ngoài nguyên nhân về khách quan, nguyên nhân chính khiến cho các mô hình không phát huy được hiệu quả là do ý thức của người dân còn hạn chế, còn trông chờ ỷ lại, chưa tự thân lao động để thoát nghèo. Ông Đinh Văn Nay, Chủ tịch xã Trà Xinh cho biết: Người dân không thường xuyên chăm sóc, dù cán bộ khuyến nông đã xuống tận nhà hướng dẫn. Khi bắt đầu mô hình thì người dân nhận được hỗ trợ con giống, kỹ thuật, vật tư đầy đủ, khi triển khai nhân rộng thì tự người dân không làm được nên mô hình nhanh chóng “chết yểu”.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Trà cho biết: Tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, họ chỉ thích nghi được với các mô hình trồng hoặc nuôi các loại giống bản địa như trồng gừng gió, trồng ớt xiêm... còn các mô hình đòi hỏi nhiều công sức, kỹ thuật như nuôi cá thì hiệu quả chưa cao, sản xuất mang tính số lượng ít, nhỏ lẻ nên khó kêu gọi, tìm đầu ra sản phẩm.

“Điều kiện để các mô hình thành công, thì phải có cán bộ chuyên trách cùng làm việc với người dân xuyên suốt để vận động người dân tiếp tục triển khai sau khi hoàn tất mô hình thí điểm ban đầu; đồng thời, phải kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch”, bà Thúy chia sẻ thêm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.