Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những bát cháo ấm lòng các "sĩ tử" nơi vùng cao

Trọng Bảo - 06:16, 26/06/2024

Thời điểm này các gia đình ở thành phố có con em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã và đang dành mọi điều kiện tốt nhất từ ăn ở, sinh hoạt cho các em. Tuy nhiên, với học sinh vùng cao, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, thì sinh hoạt trong những ngày này cũng chẳng khác ngày thường là mấy. Chính vì vậy, những sự sẻ chia, chăm sóc của thầy cô và nhà trường góp phần giúp các em có thêm sức khỏe, tự tin để chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Những bát cháo đêm giúp các em học sinh có thêm sức khỏe trong những ngày ôn thi vất vả
Những bát cháo đêm giúp các em học sinh có thêm sức khỏe trong những ngày ôn thi vất vả

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (THCS và THPT) huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nằm trên ngọn đồi cao, thuộc xã Mường Hum, cách trung tâm huyện gần 50 cây số. Toàn trường có 674 học sinh, là con em đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… Hầu hết các em học sinh ở đây có gia đình còn nhiều khó khăn về kinh tế. Các em từ các bản làng xa xôi về trường học bán trú theo chế độ của Nhà nước dành cho con em đồng bào DTTS, miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhà trường có 155 học sinh tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết: Hiện nay, có hơn 100 em ở lại ôn luyện tại trường, còn một số em ở gần thì về nhà. Bắt đầu từ ngày 1/6, các thầy cô giáo và Đoàn thanh niên nhà trường, cắt cử luân phiên nhau nấu cháo gà hoặc thịt xay bổ sung cho các học sinh khối lớp 12 để tăng cường sức khỏe ôn thi, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp. 

Để có nguồn thực phẩm, nhà trường đã vận động các thầy cô giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và trích quỹ phúc lợi của Công đoàn trường để tổ chức nấu cháo ăn thêm cho học sinh sau học tập và ôn luyện vào tối thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Việc nấu nướng cũng do các thầy cô giáo và Đoàn thanh niên nhà trường đảm trách.

Sự sẻ chia, chăm sóc của các thầy cô giáo giúp các em học sinh vùng cao có thêm nghị lực tự tin bước vào kỳ thi
Sự sẻ chia, chăm sóc của các thầy cô giáo giúp các em học sinh vùng cao có thêm nghị lực tự tin bước vào kỳ thi

“Sau giờ ôn luyện buổi tối, có thêm tô cháo nóng hổi, giàu dinh dưỡng, em thấy ấm bụng và thật thoải mái, có thêm sức khỏe để ôn thi. Chúng em phấn đấu ôn tập chăm chỉ, thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt để đáp lại tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, các thầy cô giáo và các bạn cùng trường”, em Tẩn Láo Tả - học sinh lớp 12A1, nhà ở xã Sảng Ma Sáo, cách trường học hơn 15 km tâm sự.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã cận kề, 155 sĩ tử của Trường THCS và THPT Bát Xát đang dồn sức, quyết tâm cho dấu mốc đặc biệt quan trọng này. Thầy giáo Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù năm học đã kết thúc, tuy nhiên, hoạt động bán trú vẫn được nhà trường duy trì để hỗ trợ tốt nhất cho các em học sinh vùng cao. Để giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi, ngay từ giữa học kỳ 1 năm lớp 12, nhà trường đã phát động phong trào "thầy giúp trò", tổ chức ôn luyện thi miễn phí cho học sinh từ 19h30 đến 22h mỗi ngày trên lớp học.

“Nhiều thầy cô tạm gác công việc gia đình, thời gian nghỉ ngơi để sẵn sàng thức đêm cùng học sinh, chăm chút từng bữa ăn tới giấc ngủ cho các em, giúp các em vừa có kiến thức vững vàng, vừa ổn định về tâm lý, sức khỏe, sẵn sàng bước vào kỳ thi”, thầy Quế thông tin thêm.

Thầy và trò trường THCS và THPT huyện Bát Xát vẫn đang miệt mài ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi
Thầy và trò trường THCS và THPT huyện Bát Xát vẫn đang miệt mài ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi

Cũng theo thầy Hiệu trưởng, ngoài các thầy cô của trường còn có các thầy cô giáo của Trường Chuyên Lào Cai và Trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai, thường xuyên vượt hơn 50 cây số để hỗ trợ nhà trường tổ chức ôn thi cho các em. Các thầy cô đã giúp học sinh luyện đề và giảng giải chi tiết những câu hỏi học sinh còn băn khoăn…

“Việc các thầy cô lăn lội từ xa vào hỗ trợ ôn thi cho các em đã mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như: Trực tiếp dự giờ, đánh giá học sinh; thảo luận phương pháp, cách thức tiếp cận đối tượng; hình thành nhóm học sinh liên trường trao đổi trực tuyến trên zalo để hỗ trợ ôn tập…”, thầy Quế nhận xét.

Từ những bát cháo đêm được nấu bởi tình yêu thương của các thầy cô Trường THCS và THPT Bát Xát, sự nhiệt tình hết lòng vì học trò của các thầy cô giáo vượt đường xa từ thành phố vào hỗ trợ nhà trường tổ chức ôn luyện cho các em học sinh đã và đang là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp các em có thêm sức khỏe, củng cố kiên thức, để tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.