Tùng Lâm Diệc Cổ nhìn từ trên caoChùa Diệc được hình thành như thế nào?!
Về thành Vinh, hỏi chùa Diệc hay còn gọi là Tùng Lâm Diệc Cổ, không ai lại không biết. Ngôi cổ tự hiện tọa lạc tại phường Quang Trung – một trong những phường trung tâm của thành phố đỏ anh hùng. Chùa Diệc được biết đến là “cái nôi” tâm linh ở Nghệ An, với rất nhiều huyền tích. Ngay chuyện hình thành ngôi chùa, cũng có rất nhiều cách giải thích khác nhau.
Theo nhiều tài liệu, từ xa xưa có cánh đồng nhiều ao chuôm do bà con đào để lấy nước tưới bỗng một năm hạn nặng khiến đồng bãi quạnh vắng. Nhưng rất lạ là sau một đêm ngủ dậy, người dân đã thấy diệc bay kín trời. Chúng chen chúc nhau ở các lòng ao lòng chuôm đang nứt nẻ, thì trời bỗng nổi giông tố, rồi mưa ào ào rơi xuống.
Chùa Diệc những năm đầu thế kỷ XXMưa tạnh, nước đầy… thì một hiện tượng lạ lại xuất hiện là đàn diệc lúc ấy đã chết la liệt cả đồng bãi. Người dân nghĩ rằng những con diệc này do trời phái xuống để làm mưa nên đã thu nhặt xác diệc lại và đắp thành một cái gò nhỏ. Đêm đêm, dân làng lại thấy đàn diệc hiện ra từ gò đất rồi bay lên trời. Vì thế, người làng đã xây cất trên gò một ngôi chùa đặt tên là chùa Diệc.
Theo thời gian, chùa xuống cấp và được dựng lại vào năm 1742, nhưng vẫn rất đơn sơ với mái tranh, vách đất và bao quanh bởi một khu vườn rậm rạp.
Cũng có tài liệu cho rằng, chùa Diệc hiện hữu từ thời nhà Trần. Vào khoảng thế kỷ XIX, Chùa được các Quan đại thần dưới triều Nguyễn phát tâm xây dựng, trùng hưng huy hoàng diễm lệ. Trải qua bao thăng trầm, chùa Diệc chỉ còn lại cổng tam quan, trên lầu gác chuông còn rõ nét 4 chữ Hán: chùa Phật Diệc cổ và 2 tấm bia đá.
Chính điện Chùa DiệcMột điều rất đáng chú ý, chùa Diệc còn là nơi tìm thấy bản gốc “Văn Chiêu hồn” bằng chữ Nôm của thi hào Nguyễn Du vào năm 1926 do thầy giáo Lê Thước (GS Lê Thước, Trường Quốc học Vinh – PV).
Đến năm 1950, chùa Diệc là trụ sở hành chính của Hội Phật giáo Liên hiệp Liên khu IV. Ở thời Pháp thuộc, chùa Diệc từng là điểm liên lạc bí mật của các chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, Đội Cung, Phan Bội Châu… Chùa cũng là nơi diễn ra lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh với sự có mặt của hầu hết học sinh Trường Quốc học Vinh.
Điểm đến tâm linh
Qua thời gian, chùa Diệc đã không tránh khỏi sự xuống cấp. Có một thời, trụ trì, các sư thầy và phật tử đã phải hành lễ, bái Phật dưới những mái tôn chật hẹp.
Trước sự xuống cấp của công trình Phật giáo một thời danh tiếng, cũng là thể theo nguyện vọng của thập phương phật tử, được sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương, Ban xây dựng Tùng Lâm Diệc Cổ đã quy hoạch tổng thể và được UBND tỉnh Nghệ An chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết. Ngày 25/02/2013, tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phục hồi chùa Diệc.
Bức tượng Phật đặt trước chính điện ngôi cổ tựQua tìm hiểu của chúng tôi, được biết chùa Diệc được xây dựng qua 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ năm 2015 đến năm 2022, gồm giải phóng mặt bằng, san lấp nền, xây dựng Chính điện, nhà cư sĩ, hệ thống giao thông, hệ thống kỹ thuật liên quan. Giai đoạn 2, từ năm 2022 đến năm 2027, gồm xây dựng Ngũ quan mới, phục chế và bảo tồn Tam Quan cổ, hoàn thành khu Tăng xá đông đường và tây đường, bảo tháp thờ Phật, nhà truyền thống, thư viện và khuôn viên cảnh quan môi trường.
Đặc biệt Toà Tam Bảo chính điện được xây dựng theo kiến trúc và trang trí mỹ thuật truyền thống văn hoá thuần Việt, kết hợp với nét đẹp của văn hoá thời đại, dung hoà giữa mỹ thuật và nhu cầu sử dụng cho hàng nghìn người cùng về tu học một lúc, tạo nên một quần thể tâm linh vừa tôn nghiêm vừa thoáng đãng.
Công trình tâm linh cơ bản hoàn thành đã góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa, thắng cảnh của Tùng Lâm Diệc Cổ; đồng thời tô đậm cảnh sắc Phật đài nơi miền Trung Đô Phượng Hoàng, vang danh một thuở.
Không gian Chùa Diệc trước Tam quan Chùa Diệc được phục dựng đã đáp ứng không chỉ niềm mong mỏi của các chư tăng mà còn là sự kỳ vọng của phật tử và du khách gần xa. Sau nhiều lần trùng tu, chùa dần trở thành trung tâm Phật giáo ở xứ Nghệ. Trở lại chùa Diệc hôm nay, giữa những ồn ã, sôi động của phố thị thành Vinh vẫn là những khoảng lặng bình yên, thanh tịnh của chốn tu hành.
Phật tử tu tập tại chùaTên chùa được mượn ý trong kinh Phật là “diệc bộ diệc xu”, nghĩa là cùng bước theo, cùng chạy theo. Dẫu thế thì trong nhịp sống ồn ã hiện đại, ngôi cổ tự vẫn là điểm đến bình yên của rất nhiều cõi lòng cần sự an nhiên, tự tại.
Theo chia sẻ của Thượng tọa Thích Thọ Lạc - trụ trì chùa Diệc, thì mỗi năm có hàng chục ngàn lượt phật tử về chiêm bái. Đặc biệt, những ngày lễ, Tết, hè… du khách, phật tử tìm về rất đông, càng làm tăng thêm sự uy nghiêm của một công trình tâm linh ở thành phố Vinh.