Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những cái mới ở chùa Peam Buôl Thmây

P. Quang - M. Triết - 15:45, 28/10/2022

Chùa Khmer Peam Buôl Thmây được xây dựng vào năm 1964, nằm đoạn cuối của sông Maspéro giao nhau với kênh Cái Quanh, một con sông mà hàng ngàn người hâm mộ đua ghe ngo đều biết đến bởi đây là “Sông trường” mỗi mùa Lễ hội Ooc Om Bok đua ghe ngo. Từ đó, ngôi chùa Khmer Peam Buôl Thmây được gắn liền với sông Maspéro và được nhiều du khách đến với Sóc Trăng quan tâm.

“Bảo tàng tự nguyện” trong khuôn viên chùa.
“Bảo tàng tự nguyện” trong khuôn viên chùa.

Bảo tàng tự nguyện

Dịch theo nghĩa Khmer Peam Buôl là ngã tư; thmây là mới... Sung Dinh là tên một làng xưa của tổng Khánh Hưng thuộc TP. Sóc Trăng hiện nay. Ngã tư Sung Dinh là một “ngã tư mới” do Tham biện tỉnh Sóc Trăng là Maspéro khởi xướng.

Chùa Peam Buôl Thmây tọa lạc tại khóm 5, phường 4, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), thực sự “nổi tiếng” và trở thành điểm “check in” của nhiều người kể từ khi chùa khánh thành giảng đường và tăng xá (nơi nghỉ của các vị sư) vào tháng 2/2018. Vẫn là theo lối kiến trúc của những ngôi chùa Khmer nhưng màu sắc chung được chọn là màu vàng nhẹ, điểm xanh nõn chuối nên khi ngắm toàn cảnh hay có chú tâm vào một chi tiết, đường nét nào đó của hoa văn, họa tiết trang trí cũng làm người vãn cảnh chùa không chói mắt mà mang lại cảm giác dịu nhẹ.

Đại đức Đinh Hoàng Sự, Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây chia sẻ: Hiện chùa đang xây mới ngôi chính điện. Quyết tâm của Sư hạng mục nào xong thì phải đẹp và giữ được bản sắc riêng của chùa Khmer, tạo điểm nhấn cho du khách trong mỗi mùa Lễ hội Ooc Om Bok. Ngôi sala và tăng xá hoàn thiện trước nhằm tạo sự ấm cúng trong sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử trong phum sóc và có nơi yên tĩnh, thoáng đạt để các vị sư yên tâm tu học.

Đặc biệt, chùa Peam Buôl Thmây còn được du khách biết đến vì có một “bảo tàng tự nguyện”. Đây là một gian nhà nhỏ bằng gỗ được cất theo lối nhà xưa của người Khmer. “Bảo tàng tự nguyện” đang lưu giữ những vật dụng sinh hoạt đời thường của bà con ở “làng Sung Dinh xưa”. Theo quan sát của chúng tôi, các hiện vật chủ yếu là bằng gốm, sứ cùng những công cụ trong nghề nông. “Tất cả những vật dụng này đều do bà con phật tử tự nguyện mang đến để góp vào thành “bảo tàng tự nguyện” của chùa. Với ý tưởng này, Sư mong muốn lưu giữ những hiện vật của dân tộc để có cơ sở cho các học sinh, sinh viên có đam mê nghiên cứu và làm đa dạng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến thăm chùa”, Đại đức Đinh Hoàng Sự chia sẻ.

Toàn cảnh sala và tăng xá chùa Peam Buôl Thmây.
Toàn cảnh sala và tăng xá chùa Peam Buôl Thmây


Độc nhất ghe ngo không đua

Hòa trong không khí chung của những ngày chuẩn bị “đưa nước-cúng trăng” của Lễ hội Ooc Om Bok, chiếc ghe ngo độc nhất của chùa sẽ tham gia Lễ hội với hình thức biểu diễn và không tham gia đua giải. “Chiếc ghe ngo được đóng cách đây hơn 20 năm, năm nay được các nghệ nhân sửa lại với “cung cách mới”. Tâm thế của đội ghe ngo chùa Peam Buôl Thmây đến với Lễ hội là để vui, là để được bơi cùng anh em mang hình thức biểu diễn và giới thiệu đến mọi người môn thể thao truyền thống của dân tộc Khmer mang đậm tính đoàn kết, lao động tập thể”, Đại đức Đinh Hoàng Sự giải thích thêm.

Trước mắt chúng tôi, một chiếc ghe ngo với đầu và đuôi làm bằng gỗ nguyên khối, ván lườn ghe dầy nên thay vì dùng sơn vẽ trang trí hoa văn... các nghệ nhân đã chạm trổ nổi từng vảy rồng, mây nước... có nghĩa là tất cả các họa tiết, hoa văn trang trí đều được chạm nổi.

Trò chuyện cùng nghệ nhân Trần Thái Hùng, anh đang chăm chút tô vẽ sơn lên từng chiếc vảy rồng, hoa sóng nước trên thân ghe. Anh Hùng cho biết: “Lâu lắm rồi anh em ở đây chưa có dịp vui cùng nhau, do ảnh hưởng dịch bệnh. Năm nay ghe đẹp thì phải biểu diễn! Vậy là vui với ngày đưa nước rồi”!

Ngoài việc tên của ngôi chùa này chính là tên của địa danh thì trong tên gọi dân dã của người dân ở đây chùa Peam Buôl Thmây còn có tên gọi “Chùa ngã Tư cột lồng đèn”. Tuy nhiên, từ năm 2018, sau khi khánh thành Ngôi Sala và tăng xá, Chùa còn được du khách và phật tử gần xa đặt cho tên chùa Thái Lan. Với cách nói của vị trụ trì là “Chùa mới”. Đúng vậy, theo chúng tôi tất cả đều mới, mới từ tư duy, cách nghĩ và cách làm để đảm bảo cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.