Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Những “cây cao bóng cả” ở vùng cao Bắc Hà

Tráng Xuân Cường - 15:01, 29/09/2021

Những năm qua, đội ngũ những cán bộ, hội viên Người cao tuổi ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua với những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn tại địa phương.

Một góc bản đồng bào Mông ở xã vùng cao Lùng Cải hôm nay
Một góc bản đồng bào Mông ở xã vùng cao Lùng Cải hôm nay

Ông Cáo Seo Dìn (dân tộc Mông, sinh năm 1949) là đảng viên cao tuổi ở thôn Sán Trá, xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà. Khi còn trẻ, ông Dìn là cán bộ xã. Sau khi nghỉ hưu, với uy tín và trách nhiệm xã hội của mình, ông Dìn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Sán Trá và Người có uy tín của thôn.

Xã Lùng Cải có 99% dân số là đồng bào Mông, đời sống kinh tế  trước đây rất khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Để giúp bà con biết cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, ông Dìn đã gương mẫu, đi đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây-con giống mới vào sản xuất... Ông thay thế diện tích đất trồng cây lúa, cây ngô kém năng suất sang trồng dược liệu (đương quy, cát cánh), cây ăn quả (mận hậu, mận tả van, lê xanh..) có hiệu quả kinh tế cao. Trong trang trại của gia đình, ông đầu tư nuôi trâu, lợn, gà... Nhờ đó, gia đình ông trở thành hộ sản xuất, chăn nuôi điển hình của xã Lùng Cải.

Trước thực tế đời sống sinh hoạt và tập quán sản xuất của người Mông vẫn còn  lạc hậu, ông Dìn đã vận động anh em, họ hàng và bà con trong thôn làm chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên vườn nhà, không thả rông gia súc như trước đây. Ông tổ chức họp dân, tranh thủ ý kiến của những người cao tuổi góp ý xây dựng quy ước, hương ước của địa phương. Trong hương ước quy định rút ngắn thời gian tổ chức ma chay, không thách cưới, tổ chức đám cưới, đám tang tiết kiệm theo nếp sống mới, không ăn uống linh đình, gây lãng phí; không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống… Nhờ có vai trò dẫn dắt của ông Cáo Seo Dìn, nhận thức của đồng bào Mông ở thôn Sán Trá nói riêng, xã Lùng Cải nói chung ngày càng chuyển biến tích cực. Bà con từng bước nỗ lực vươn lên.

Ông Triệu Kim Vảng (người ở ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bà con cách chế biến, phơi vỏ quế
Ông Triệu Kim Vảng (người ở ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bà con cách chế biến, phơi vỏ quế

Ông Nông Quốc Lưu, Phó trưởng Ban Đại diện Người cao tuổi huyện Bắc Hà cho biết: Hội Người cao tuổi huyện Bắc Hà hiện có 4.085 hội viên, sinh hoạt ở 162 chi hội thuộc 19 hội người cao tuổi xã, thị trấn. Thời gian qua, Ban Đại diện Hội người cao tuổi huyện Bắc Hà đã chú trọng phát động thu hút đông đảo hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó xuất hiện nhiều người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng nông thôn mới… Điển hình như tại xã Nậm Đét có ông Triệu KimVảng (63 tuổi, dân tộc Dao, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã) đã gương mẫu đi đầu trong trồng cây quế tại địa phương. Ông vận động bà con người Dao trồng, mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây quế, đưa Nậm Đét trở thành thủ phủ của cây quế ở Bắc Hà…

Hay ở xã Nậm Khánh có ông Lý Văn Hỷ (62 tuổi) thành công với mô hình kinh tế trồng chè và chăn nuôi dê, đem lại thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm. Tại thôn Sông Lẫm, xã Tả Củ Tỷ có bà Lù Thị Ỉnh (dân tộc Nùng, 64 tuổi), nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã có thu nhập cao từ mô hình trồng chè. Bình quân mỗi năm, gia đình bà có thu nhập từ thu hái chè đạt 80 triệu đồng. Bà Ỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con người Nùng, Dao, Mông trong thôn, xã phát triển cây chè, giúp đỡ các hộ khó khăn về vốn, giống không tính lãi. Tại xã Hoàng Thu Phố có mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông- lâm nghiệp của ông Vàng Seo Hầu mỗi năm thu lãi trên 150 triệu đồng…

Bà Lù Thị Ỉnh và con cháu người Nùng thôn Sông Lẫm giữ gìn đồi chè Shan tuyết cổ thụ gần trăm năm tuổi
Bà Lù Thị Ỉnh cùng bà con người Nùng thôn Sông Lẫm giữ gìn đồi chè Shan tuyết cổ thụ gần trăm năm tuổi

Nhiều hộ gia đình có chủ hộ là Người cao tuổi đã tự nguyện hiến hằng trăm, hằng nghìn mét vuông đất cùng với Nhà nước và chính quyền địa phương xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn, trường học, trạm y tế… Trong nhiệm kỳ 2016- 2020, hội viên Người cao tuổi đã hiến 12.570 mết vuông đất trồng cây cối, hoa màu, đóng góp 2.855 ngày công lao động và ủng hộ 320 triệu đồng quỹ xây dựng nông thôn mới địa phương.

“Nhờ sự gương mẫu, tích cực của các hội viên người cao tuổi trong phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hoá mới… đã góp phần tạo sự đổi thay trên các bản, làng vùng cao Bắc Hà”, ông Nông Quốc Lưu, Phó trưởng Ban Đại diện Người cao tuổi huyện Bắc Hà khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.