Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Gương sáng bản Mông

Tráng Xuân Cường - 11:58, 12/07/2021

Người dân ở thôn Khe Thượng - Làng Mới, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) ai nấy đều cảm phục ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của anh Giàng Seo Hòa, sinh năm 1978, dân tộc Mông. Anh là tấm gương sáng được bà con trong bản học tập và làm theo.

Anh Giàng Seo Hòa, gương sáng bản Mông vùng cao Bắc Hà
Anh Giàng Seo Hòa, gương sáng bản Mông vùng cao Bắc Hà

Theo chân Đoàn cán bộ Hội Nông dân (HND) xã Cốc Lầu tới thăm vùng đồi rộng lớn vốn là trang trại trồng quế của gia đình anh Giàng Seo Hòa, người được tôn vinh là hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, đại diện huyện Bắc Hà dự Hội nghị Tổng kết 5 năm phong trào nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2006 - 2020. Anh Hòa cũng là hộ trồng mới cây quế với diện tích nhiều nhất xã Cốc Lầu hiện nay, khi có gần 10ha cây quế từ 3 - 8 năm tuổi.

Đưa chúng tôi tới thăm 3 đồi quế xanh tốt của gia đình, anh Hòa cởi mở cho biết, trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân người Mông khác trong thôn, cuộc sống gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa trên nương đồi, chăn nuôi nhỏ lẻ và chạy chợ khắp các chợ vùng cao Lào Cai buôn bán hàng thổ cẩm. Làm lụng vất vả song cũng chỉ đủ ăn, không có “của để”.

Được tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông lâm nghiệp, anh biết đồng bào Dao ở huyện Bắc Hà, Bảo yên, Bảo Thắng có nguồn thu ổn định từ cây quế. Anh Hòa tìm đến học tập kinh nghiệm, rồi mua cây quế giống về trồng. Trong 2 năm 2014 - 2015, bên cạnh đất đai do cha mẹ để lại, cơ hội đến khi Nhà nước có chủ trương mở đường về thôn, gia đình anh tình nguyện hiến tặng một phần và được đền bù gần 700 triệu đồng. Không như một số hộ mua xe, xây nhà, anh Hòa dùng số vốn đó đầu tư mua thêm đất đồi, mua cây giống, phân bón, đầu tư thuê nhân công để trồng mới thêm hơn 6 vạn cây quế, tương đương trên 6 ha quế.

Chỉ tay lên đồi quế xanh tốt, cây to, cao đều, anh Hòa bảo: “Đến tháng 8 này, nhà mình tiếp tục thu tỉa cành lá lần 2, chắc cũng được kha khá. Đầu năm 2020, nhà mình bắt đầu thu tỉa cành lá phơi khô đem bán được hơn 30 triệu đồng. Mình không thu cây vì trồng thưa, chăm bón theo hướng dẫn, cây lớn nhanh, để cho cây quế phát triển lâu năm, chất lượng tinh dầu cao, được giá, khi đó sẽ cho nguồn thu lớn”.

Bên cạnh đó, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trong thời gian chờ quế cho thu hoạch gia đình anh tập trung chăn nuôi trâu thịt, lúc nào chuồng nhà cũng có 15 con. Năm nay nhà anh bán 9 con vì không còn quỹ đất chăn thả, bận tập trung vào cây quế đã bắt đầu cho thu hoạch, chỉ để nuôi  2 con phục vụ sản xuất và cho hộ nghèo trong xã nuôi rẽ 4 con.

Vợ chồng anh Hòa chăm sóc cây quế theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông nên đồi quế phát triển tốt, hứa hẹn thu bạc tỷ
Vợ chồng anh Hòa chăm sóc cây quế theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông nên đồi quế phát triển tốt, hứa hẹn thu bạc tỷ

Nhờ trồng quế, chăn nuôi trâu vỗ béo, từ năm 2019 đến nay, trung bình thu nhập gia đình anh Hòa đạt 200 triệu đồng/năm, vươn lên trở thành khá giả. “Diện tích đồi quế hơn 8ha từ 3 - 7 tuổi của gia đình anh Hòa đã có nhiều đại lý thu mua quế ở Yên Bái, Bảo Thắng, Bắc Hà đến tận đồi trả giá từ 2,5 - 3 tỷ đồng, song gia đình không bán. Bởi chỉ 3 - 5 năm nữa, khi  trên 10 tuổi, diện tích quế này tính theo giá thị trường có giá trên 5 tỷ đồng”, ông Hầu Xuân Cầu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc Lầu khẳng định.

Có của ăn, của để, gia đình anh Giàng seo Hòa tích cực giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn, xã về cây, con giống, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cây quế, trồng lúa nước. Đặc biệt thông qua vận động của Hội Nông dân xã, gia đình anh Hòa đã nhận đỡ đầu giúp 5 hộ nghèo bằng cách cho mỗi hộ vay 5 triệu đồng không tính lãi để mua phân bón, giống quế; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc quế và chăn nuôi. Từ đó các hộ này có điều kiện đầu tư vào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, gia đình anh Hòa còn gương mẫu đi đầu và tích cực vận động bà con Nhân dân trong thôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn, đổ bê tông đường giao thông, làm nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, góp sức giúp xã Cốc Lầu về đích xã nông thôn mới năm 2020.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, tham gia phong trào Hội Nông dân, gia đình anh Hòa được tôn vinh là hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Cuối năm 2020, anh Hòa vinh dự là một trong những đại diện của huyện Bắc Hà dự Hội nghị Tổng kết phong trào nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2005 - 2020./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.