Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Cao tuổi thôn Cửa Khẩu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Long Vũ - 14:30, 14/08/2021

Nhằm duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa của người Tày, các thành viên của Chi hội Người cao tuổi (NCT) thôn Cửa Khẩu, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã thành lập Đội văn nghệ để duy trì tiếng nói, tiếng hát của dân tộc. Bên cạnh đó, việc làm và sử dụng trang phục truyền thống, lưu giữ sách cổ người Tày cũng được NCT ở thôn chú trọng.

CLB văn nghệ NCT thôn Cửa Khẩu luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào giữ gìn văn hóa của dân tộc
CLB văn nghệ NCT thôn Cửa Khẩu luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào giữ gìn văn hóa của dân tộc

Một buổi chiều ở Nhà văn hóa thôn Cửa Khẩu, xã Hoành Mô, các ông, bà trong Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ NCT của thôn đang tổ chức hát Then và chơi đàn Tính. Trên sân khấu nhỏ của Nhà Văn hóa thôn, các “nghệ sĩ làng” say sưa biểu diễn các tiết mục hát then như quên đi cái oi ả, nóng bức của mùa Hè. Dù tuổi đã cao, nhưng những lời ca vẫn trong trẻo cùng với những điệu múa vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng…

Ông Trần Sìu Thu, thôn Cửa Khẩu, thành viên đầu tiên của Đội văn nghệ NCT cho biết, Đội văn nghệ được thành lập từ năm 2017, đến nay đã có gần 30 thành viên và vẫn tiếp tục kết nạp thêm các thành viên mới. Với mục đích nhằm duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy lại cho lớp trẻ, nên mặc dù bận rộn với công việc riêng, nhưng mọi người vẫn dành thời gian ít nhất 3 buổi/tuần để cùng nhau luyện tập. Ngoài những bài hát giao duyên, hát đối bằng tiếng Tày, Đội văn nghệ cũng học thêm nhiều bài hát mới ca ngợi Đảng, ca ngợi Tổ quốc, quê hương đất nước...

“Để có các tiết mục múa, hát Then, các thành viên trong CLB văn nghệ NCT thôn Cửa Khẩu tự sưu tầm băng đĩa, tài liệu để học theo. Khi đã chọn được tiết mục phù hợp, họ cùng họp bàn tập hát cùng nhau để thuộc lời bài hát”, ông Thu cho biết.

Không chỉ có tình yêu với nghệ thuật, các thành viên trong CLB văn nghệ NCT thôn Cửa Khẩu còn tự tay may các bộ quần áo để phục vụ cho các hội thi, hội diễn. Không chỉ thế, các bà, các mẹ trong gia đình cũng chú ý đến việc truyền dạy cách làm trang phục, cách thêu cho con cháu để trang phục truyền thống dân tộc được lưu truyền đến những đời sau.

“Mới đầu tham gia, các thành viên đội văn nghệ NCT thôn Cửa Khẩu còn rụt rè. Nhưng vì yêu ca hát, nhất là những bài hát của dân tộc mình, nên mỗi thành viên đều cố gắng tập để sau này còn truyền dạy lại cho các con, các cháu. Mình phải có trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, phục hồi chất cổ trong các làn điệu dân ca”, bà Lài Thị Liên, thành viên của đội văn nghệ NCT chia sẻ.

Điều đặc biệt là CLB văn nghệ NCT còn tự “biên tập” các bài hát Then cho các cháu nhỏ trong thôn. Đến nay, ông Thu, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ NCT của thôn đã chép và biên tập được hơn 50 bài hát và hàng chục lời then cho các cháu nhỏ trong thôn học. Mong muốn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình được lưu truyền, nên ngoài việc chép sách, dạy viết, dạy đọc, ông Thu cũng thường xuyên vận động các thành viên của Chi hội NCT của thôn tham gia văn nghệ, tích cực dạy tiếng nói cho con cháu.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.