Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những chuyện thấm tình yêu quê hương ở nơi đảo xa

Mỹ Dung - 17:38, 06/02/2024

Cách đất liền hàng chục hải lý, đảo Trà Bản và Đảo Trần thuộc hải phận tỉnh Quảng Ninh yên bình, xanh thẳm như những viên ngọc quý giữa vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Khi cánh én mang mùa xuân về, cũng là lúc những chuyến tàu của Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân rời bến, mang theo những món quà cùng niềm tin son sắt của đất liền ra đảo. Chuyến ra đảo những ngày cuối năm cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân lắng đọng hương vị ấm áp tình quân dân trong tôi.

Tư lệnh Vùng 1 Hải quân Vũ Văn Nam động viên cán bộ, chiến sỹ đảo xa dịp Tết đến, xuân về
Tư lệnh Vùng 1 Hải quân Vũ Văn Nam động viên cán bộ, chiến sỹ đảo xa dịp Tết đến, xuân về

Hành trình nhiều cảm xúc

Mờ sáng, tiết trời giá rét, sương mù phủ kín mặt quân cảng Hạ Long thuộc Lữ đoàn 170 Hải quân. Tàu phiên hiệu 285 bắt đầu kéo còi rời bến, chở chúng tôi đến với những tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc đúng những ngày thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại. Lớp sương dày đặc, phủ mờ cả khoảng không bao la của vùng biển rộng lớn; những ngọn núi đá trên vịnh Hạ Long thấp thoáng, rồi mờ dần trong màn sương. Gió mùa ùa về với không khí lạnh tăng cường, càng làm chuyến đi của chúng tôi thêm phần đặc biệt.

Sau gần 2 giờ đạp gió rẽ sóng, tàu cập cảng đảo Trà Bản thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn. Những cái ôm ấm áp và bắt tay nồng hậu của chiến sỹ hải quân trên đảo với đoàn công tác, đã vơi đi cái lạnh cắt da cắt thị giữa trùng dương.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là doanh trại Trạm rađa 485, thuộc Trung đoàn 151, Bộ tư lệnh vùng 1 Hải quân, có trụ sở ở thôn Đông Lĩnh, xã Trà Bản. Trạm có hai điểm A và B. Khu A là Sở chỉ huy cùng khu vực hậu cần, tăng gia của đơn vị. Khu B là khu vực trực sẵn sàng chiến đấu, ở vị trí biệt lập trên núi Nàng Tiên cao khoảng 500m so với mực nước biển.

Ý nghĩa và nhiều cảm xúc đọng lại từ chuyến đi theo chân lính biển đến với vùng đảo xa
Ý nghĩa và nhiều cảm xúc đọng lại từ chuyến đi theo chân lính biển đến với vùng đảo xa

Đại úy Phạm Văn Định, Trạm trưởng Trạm rađa 485 cho biết, thời điểm này, cùng với việc phân công lịch trực sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đang chuẩn bị cho bộ đội đón Tết nơi đảo xa. Trạm 7 chiến sỹ hải quân, trong đó, quá nửa là những người lính trẻ, tuổi đời chỉ mới đôi mươi nhưng tác phong nhanh nhẹn, đúng chuẩn mực lính hải quân.

Chiến sỹ Sùng Sinh (20 tuổi), người dân tộc Mông, lần đầu tiên được đón Tết ở vị trí điểm đảo cao nhất Vịnh Bắc Bộ kể: "Sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, sau nhiều năm ăn Tết ở quê, năm nay, em đón Tết tại đơn vị. Gia đình, người thân đã gọi điện động viên, điều đó giúp em nguôi đi nỗi nhớ nhà. Đây sẽ là cái Tết ấn tượng trong cuộc đời em".

Ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ với mùa xuân đất nước, Sùng Sinh cùng các chiến sỹ trẻ luôn học hỏi kinh nghiệm và được rèn luyện để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ vùng trời, vùng biển Đông Bắc.

Quân dân đồng lòng bám đảo biên cương

Rời đảo Trà Bản, đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam, Tư lệnh vùng 1 Hải quân tiếp tục cuộc hành trình, mang xuân tới đảo Trần, huyện Cô Tô - hòn đảo được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc.

Đón chúng tôi lên âu cảng là những người lính hải quân có khuôn mặt rám nắng, rắn rỏi, ánh mắt luôn rực cháy niềm tin và sự kiên định. Theo chân đoàn công tác Vùng 1 Hải quân, chúng tôi đến với Trạm radda Hải quân 480 thăm hỏi, chúc tết cán bộ, chiến sỹ hải quân nơi đây.

Vượt qua khoảng gần 2km theo các bậc thang lên đỉnh núi, chúng tôi tiếp tục có mặt tại cột cờ và đền thờ Bác Hồ. Cột cờ Tổ quốc tại đảo Trần được xây dựng tại vị trí gần Trạm rađa Hải quân 480 - điểm cao nhất của đảo Trần.Nhìn lá cờ căng mình trước gió, hình ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng, hồn thiêng sông núi, máu và hoa của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước như thước phim lịch sử gói gọn. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của quân và dân trên đảo tiền tiêu, ngày đêm canh giữ chủ quyền, là những cột mốc sống nơi phên dậu Tổ quốc…

Nằm cách cột cờ Tổ quốc không xa là ngọn hải đăng đảo Trần. Đảo chỉ cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ vài hải lý nên tàu cá khi đi xa, cũng có thể đi đến đường phân định của hai nước. Ban đêm nhìn thấy hải đăng biết biết hướng để mình về.

Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm đèn, ngày mới tới đảo, từ chân đồi lên trạm đèn chỉ có con đường đất cheo leo, cây rừng phủ kín. Tháp đèn quanh năm gió lộng, thiếu nước ngọt, sóng điện thoại chập chờn... Những đơn vị ở trên núi ngày ngày phải xuống chân núi xách từng can nước, can dầu để chạy máy phát. 

Cũng vì ở vị trí cao nên mùa đông, gió bấc thổi lạnh thấu xương. Mùa hè giông bão, sấm sét thì các anh bên rađa và đèn biển đều phải vào nhà đóng chặt cửa, bịt tai trước tiếng ồn xé toạc không gian ngoài kia.

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đưa dân ra đảo Trần sinh sống, đến nay trên đảo Trần có 15 hộ dân với 52 nhân khẩu. Phần lớn họ đều là những gia đình trẻ, làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản, tự nguyện rời đất liền ra gắn bó, bám đảo. Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng có ý nghĩa đối với quân và dân đảo Trần, khi UBND tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia ra đảo, tạo bước đột phá để cải thiện đời sống, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài trên đảo.

Vợ chồng anh Vũ Văn Định là một trong số những người trẻ đầu tiên ra đảo Trần. Cùng trải qua nhiều khó khăn, các hộ ở đây xem nhau như người thân trong cùng một gia đình vậy. “Hầu như dân chúng tôi đi làm biển quanh năm. Chỗ ở được cấp ổn định. Cuộc sống ở đảo từ khi có điện đã tốt lên nhiều rồi, ngoài đảo không thiếu thốn gì, chỉ đắt so với đất liền mà thôi”, anh Định chia sẻ.

Cuộc sống người dân nơi đây luôn được sát cánh cùng các chiến sĩ Hải quân, biên phòng và các lực lượng quốc phòng khác bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Đặc biệt, chính quyền cũng như các lực lượng cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về.

“Năm nào lực lượng cán bộ hải quân cũng ra đây thăm hỏi, tặng quà Tết cho bà con trên đảo chúng tôi. Vừa có thêm động viên về vật chất và bà con tinh thần của đảo. Những lúc thế này thấy phấn khởi và ấm lòng lắm”, anh Định cho hay.

Thấm đẫm tình quân dân!
Thấm đẫm tình quân dân!

Đại dương bao la, đất đảo mặn mòi đã thấm đẫm, hun đúc cho con người nơi đây càng rắn rỏi, kiên cường... Chia tay đảo Trần, chúng tôi mang theo những luyến lưu về những con người hồn hậu, về tình quân dân gắn bó trên đảo, về lá cờ Tổ quốc, về ngôi chùa, ngọn hải đăng nơi phên dậu Tổ quốc.

Và để có được sự bình yên cho đất liền, Chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam chia sẻ thêm: “Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, Vùng 1 Hải quân bằng nhiều nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhằm giữ vững và củng cố thế trận lòng dân trên biển”. Đây là kim chỉ nam để mỗi người lính hải quân gắn bó, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.