Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những cuộc trở về…

Thanh Nguyễn - 06:22, 06/02/2025

Có cuộc trở về là khởi đầu cho bao điều tốt đẹp. Có cuộc trở về là truyền cảm hứng bất tận về sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Có cuộc trở về là trả nợ quê hương, tri ân bản làng… Những thanh niên từng rời bản, vượt núi đeo đuổi con chữ để trở thành bác sỹ, mà chúng tôi đã gặp trên bao nẻo biên cương xứ Nghệ, là minh chứng cho tất cả những điều ấy.

Nơi bản làng miền Tây xứ Nghệ, cuộc sống người dân hãy còn rất khó khăn - Trong ảnh: Một góc xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn
Nơi bản làng miền Tây xứ Nghệ, cuộc sống người dân hãy còn rất khó khăn - Trong ảnh: Một góc xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn

"Trả nợ" bản làng

Tôi gặp La Văn Vinh vào cuối năm 2024, khi đến vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, là hai bản Búng và Co Phạt (Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) công tác.

Trong mênh mang của đại ngàn Pù Mát, Vinh đã kể tôi nghe về những tháng ngày khốn khó đeo đuổi con chữ của mình: Đến ngay cả hôm nay, đường vào hai bản người Đan Lai này vẫn rất khó khăn. Còn thời điểm tôi học tiểu học, nhận thức của người lớn về việc học của con trẻ vẫn rất hạn chế. Nhiều gia đình gần như không quan tâm đến chuyện học.

Trong môi trường ấy, con đường học tập của Vinh như dòng khe Khặng chảy trước nhà. Có lúc gặp thác ghềnh mà dừng lại, nhưng chỉ ngay sau đó, nó lại rẽ ngoặt sang hướng khác để lặng lẽ đổ về xuôi. Năm 2009, Vinh ra trường với tấm bằng Y sỹ, và anh đã xung phong về lại bản Cò Phạt và Khe Búng phụ trách công tác y tế thôn bản.

“Đó là một quyết định khiến tôi đắn đo rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ, mình là người con của đồng bào Đan Lai, không trở lại bản làng phục vụ bà con thì còn ai dám vào nữa”, Vinh tâm sự.

“Cắm bản” hai năm, anh được tuyển dụng chính thức vào Trạm Y tế xã Môn Sơn. Năm 2011, Vinh tiếp tục quay lại bản Cò Phạt và Khe Búng với vai trò là cán bộ y tế tăng cường.


Bác sĩ La Văn Vinh muốn bằng những việc làm cụ thể của mình trong khám chữa bệnh cho dân bản để thay đổi nhận thức về phòng, chữa bệnh sao cho khoa học
Bác sĩ La Văn Vinh muốn bằng những việc làm cụ thể của mình trong khám chữa bệnh cho dân bản để thay đổi nhận thức về phòng, chữa bệnh cho người dân

Câu chuyện về Và Bá Tùng-bác sỹ người Mông ở mảnh đất biên giới xã Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) những năm qua cũng đang mang đến niềm cảm hứng đong đầy...

Tùng tâm sự đầy trách nhiệm: Mình chọn về xã Nhôn Mai, bởi đây là nơi chôn nhau cắt rốn. Về quê để góp sức cứu chữa khi bà con đau ốm; về quê để góp sức tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ phong tục, tập quán cũ… vì một cuộc sống mới tươi đẹp.

Động lực về quê công tác với bác sỹ Tùng không chỉ là trả nợ quê hương, mà nó còn lớn hơn thế. Khi quê hương Nhôn Mai có gia đình, có bố mẹ, vợ con… và có cả hoài bão, ước mơ của anh từ mấy chục năm trước.

Tùng nhớ lại: Năm 2004, mình rời quê theo học Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc tại Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, đến năm 2008, mình thi đậu vào Trường Đại học Y Huế và theo học tại đây cho đến năm 2014.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cũng như chàng thanh niên Đan Lai La Văn Vinh, Và Bá Tùng được nhiều nơi mời gọi, nhưng hình bóng quê hương vẫn nặng trong tâm khảm; để rồi anh đã khảng khái từ chối cơ hội làm việc tại những nơi có điều kiện thuận lợi, mà quyết tâm trở về quê nhà.

Thế nhưng, phải đến đầu 2022, khi một bác sĩ tại Trạm Y tế Nhôn Mai nghỉ công tác để điều trị bệnh thì Và Bá Tùng mới thực hiện được niềm day dứt suốt bao năm, là về quê hương công tác.

Khi tôi ngồi gõ những dòng này, bác sỹ người Thái Lá Văn Khôi đã là Trưởng khoa Y học cổ truyền thuộc Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên tình nguyện với hơn 120 thành viên đều công tác trong ngành y, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ Thị xã Thái Hòa.

Bác sỹ và Bá Tùng chia sẻ về quyết định quay trở lại quê hương công tác
Bác sỹ Và Bá Tùng chia sẻ về quyết định quay trở lại quê hương công tác

Khôi là em út trong gia đình nghèo ở xã Yên Hợp huyện Quỳ Hợp. Còn nhớ, năm 2007, khi rời núi về thành phố theo học Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Khôi là thanh niên đầu tiên của bản, của xã đậu đại học. Khôi nói: Chỉ có học, học mới có cơ hội đổi đời. Vì thế tôi mới quyết tâm, bấm chí.

Ngày ra trường, Khôi về lại quê nhà công tác, đúng như dự định và mục đích ban đầu mà cậu đặt ra. Hành trang trở lại quê hương với Lá Văn Khôi, không chỉ có sức trẻ, niềm yêu quê hương… mà còn mang nặng trách nhiệm lớn lao của một người trẻ có học thức, có suy nghĩ tích cực với bản làng.

Góp sức vì quê hương

Mỗi người trẻ một cuộc đời, một số phận khác nhau nhưng chung một chí hướng, một hoài bão, một khát vọng cháy bỏng... là góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, no ấm. Tôi đọc được trong nỗi niềm của những chàng trai trẻ trên miền biên cương xứ Nghệ, chính là sự day dứt trước hiện thực cuộc sống còn bộn bề.

Về quê lập nghiệp, những bác sỹ của bản thuận lợi hơn rất nhiều, vì hiểu biết tiếng và phong tục của đồng bào. Nhưng khó khăn thì hãy còn vô vàn. Nhận thức, suy nghĩ của bà con về vấn đề chăm sóc sức khỏe còn hạn chế…, chính là trở ngại lớn nhất của các bạn trẻ khi chọn cho mình môi trường làm việc nhiều thử thách.

 Bác sỹ Và Bá Tùng tâm sự: "Khó khăn nhất là thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe bản thân. Với tôi, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, suy nghĩ… cũng là một cách để góp phần xây dựng quê hương tốt đẹp hơn".

Năm 2007, khi rời núi về thành phố theo học Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Khôi là thanh niên đầu tiên của bản, của xã đậu đại học
Năm 2007, khi rời núi về thành phố theo học Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Khôi là thanh niên đầu tiên của bản, của xã đậu đại học

Về quê lập thân lập nghiệp đã là một quyết định dũng cảm đầy trách nhiệm. Nhưng dấn thân vào nghề, sống trải giữa muôn vàn gian khó… mới chính là động lực lớn lao để những con người trẻ tiếp tục học lên cao, trau dồi nghề nghiệp để đáp ứng tốt hơn với công việc mỗi ngày.

Và chúng ta đã lại thấy lấp lánh thêm tinh thần vượt khó, vượt lên bản thân của những con người trẻ. Với họ, học không chỉ là để hoàn thiện thêm bản thân, mà con là để phục vụ cho công việc chuyên môn đang làm. Vinh, Tùng, Khôi… là ba con người cụ thể trong một trang viết, nhưng dường như đang đại diện cho một thế hệ thanh niên người DTTS trên miền biên cương xứ Nghệ.

Dẫn chứng về sự học của bác sỹ La Văn Vinh là ví dụ. Để có đủ sinh hoạt phí nơi thị thành, Vinh đã làm rất nhiều nghề, thậm chí là sông đánh cá, ra đồng bắt ếch. Những khó nhọc không kể xiết ấy cũng được đền đáp xứng đáng khi La Văn Vinh trở thành bác sỹ đầu tiên của người Đan Lai. Vinh bảo: Chỉ có học mới đáp ứng tốt cho yêu cầu công việc. Trong ca trực mới đây không lâu, tôi tiếp nhận một sản phụ đã vỡ ối. Ca đỡ đẻ dẫu thành công nhưng đứa trẻ được sinh ra còn nguyên bọc ối bên ngoài. Điều này dẫu đã được học trong chương trình, nhưng khi gặp ở thực tế, tôi vẫn khá lúng túng.

Bao năm qua, hình ảnh của những bác sỹ trẻ, là La Văn Vinh, Lá Văn Khôi, Và Bá Tùng đã trở nên thân thuộc trên những nẻo đường về bản. Hình ảnh tận tâm, trách nhiệm suốt những năm qua của các anh với bản làng, đã truyền niềm cảm hứng rất lớn cho thế hệ trẻ người DTTS trên hành trình lập thân, lập nghiệp; nhưng hơn hết, là đem sức trẻ, hoài bão của bản thân đóng góp vào sự phát triển của quê hương và sự tiến bộ trong nhận thức của người dân./.

Tin cùng chuyên mục
Ngày Tết nghĩ chuyện nếp nhà

Ngày Tết nghĩ chuyện nếp nhà

Tết Việt, cùng bao biến thiên của thời gian, từ những giao thoa cũ, mới như một quy luật tất yếu, vẫn còn đó vẹn nguyên trong tâm thức mỗi người những điều xưa cũ thật khó đổi dời. Tết vẫn như một lời hẹn ân cần, một niềm háo hức sum vầy, xốn xang…