Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thông tin đối ngoại đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Những đảng viên ở vùng biên

Phạm Nguyên - Mai Hương - 13:15, 20/12/2023

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của Nhân dân, vùng biên giới của tỉnh Kon Tum đang khoác lên mình chiếc áo mới, cho thấy cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Những đổi thay đó có sự đóng góp rất lớn của những đảng viên, bởi họ là những người tiên phong trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân và giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định và phát triển.

Diện mạo các xã biên giới của tỉnh Kon Tum đang từng ngày đổi thay
Diện mạo các xã biên giới của tỉnh Kon Tum đang từng ngày đổi thay

Những đầu tàu trong công tác vận động

Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới, thuộc 4 huyện là Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Dân số sinh sống ở khu vực biên giới gần 18.000 hộ; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 75%. So với mặt bằng chung trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; trình độ dân trí không đồng đều, đồng bào DTTS chưa mạnh dạn đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; một số hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ hoàn toàn… Từ thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các xã biên giới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS, trong đó đó vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên được xem là yếu tố quyết định. Các cấp ủy Đảng đã triển khai phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và có giải pháp giúp đỡ Nhân dân kịp thời.

Đảng viên ở xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei hướng dẫn bà con trồng cây Hồng đẳng sâm
Đảng viên ở xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei hướng dẫn bà con trồng cây Hồng đẳng sâm

Được phân công phụ trách 04 hộ gia đình, trong đó có 01 hộ nghèo và 01 hộ cận nghèo, đảng viên A Cu ở thôn Đăk Ga, xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei thường xuyên đến thăm các hộ gia đình, tuyên truyền, vận động các hộ chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Đảng viên A Cu cho biết: Để bà con tin lời mình nói, trước hết mình phải gương mẫu, làm trước bà con mới tin và mình phải xuống tận nhà, ra tận vườn, cầm tay chỉ việc cho bà con biết cách chăm sóc cây cà phê, cây lúa nước để tăng năng suất. Nhờ vậy, cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo đã có sự đổi thay.

Đảng viên A Cu rất nhiệt tình, sâu sát, hướng dẫn cho bà con biết cách làm lúa, mì, cà phê cho đạt năng suất cao. Giúp cho bà con phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần - ông A Nơm ở thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, 16 Đồn Biên phòng đứng chân trên 13 xã biên giới đã triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mô hình mô hình“Phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình người DTTS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới” đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện 16 Đồn Biên phòng đã phân công 46 lượt đảng viên là cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người DTTS số kết nghĩa với 32 hộ gia đình người DTTS nghèo trên địa bàn biên giới và đã giúp cho hơn 20 hộ thoát nghèo.

Đảng viên là Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào DTTS xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cách chăm sóc cây cà phê
Đảng viên là Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào DTTS xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cách chăm sóc cây cà phê

Chị Y Éo ở thôn Pêng Lang, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei chia sẻ: Đồn Biên phòng Đăk Blô hỗ trợ gia đình 01 con heo giống và nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô mà gia đình biết cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo bền vững.

Trung úy A Thuộc, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Blô cho biết: Chúng tôi cũng thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế về trồng cam xứ lạnh, hỗ trợ bò giống, heo giống và các loại gia cầm. Tôi cũng thường xuyên đến trao đổi với bà con Nhân dân, đến tận nhà để mình hướng dẫn kỹ thuật, vừa tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con Nhân dân, thứ hai nữa là để mình gắn bó tình cảm hơn với Nhân dân khu vực biên giới.

Cùng với đó, các đảng viên ở khu vực biên giới còn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Quá trình tuyên truyền đã vận dụng linh hoạt bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, như: Tuyên truyền tập trung thông qua các buổi sinh hoạt thôn, làng; tuyên truyền nhỏ lẻ tới từng hộ gia đình, từng người dân, với phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà... Qua đó, từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS ở khu vực biên giới.

Xây dựng vùng biên vững mạnh

Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết cấu hạ tầng khu vực biên giới đã được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân; đời sống Nhân dân đã có nhiều thay đổi tích cực. Hiện đã có 06/13 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn hơn 21%. Có được những kết quả đó ngoài sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì còn có sự nỗ lực của gần 2.000 đảng viên hiện đang sinh hoạt ở 156 chi bộ, trực thuộc 13 Đảng bộ xã. Các đảng viên đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn để người dân thay đổi nhận thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn ông A Liên ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi biết cách sản xuất lúa nước 2 vụ
Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn ông A Liên ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi biết cách sản xuất lúa nước 2 vụ

Ông A Liên ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Trước đây gia đình tôi làm canh tác lúa chỉ một vụ và giống lúa cũ, năng suất thấp. Sau khi được đảng viên của Đồn Biên phòng Sa Loong tuyên truyền, hướng dẫn nên tôi đã biết cách làm giống lúa mới có năng suất, hiệu quả cao hơn. Đồng thời, Đồn Biên phòng còn hỗ trợ cho gia đình heo giống, ngan giống để chăn nuôi. Nhờ đó mà gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Cùng với đó, các đảng viên ở khu vực biên giới đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đến nay, có gần 60 tập thể, hơn 140 hộ gia đình, hơn 120 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên cột mốc; 125 tổ, với hơn 700 cá nhân tham gia tự quản an ninh trật tự thôn làng.

Với sự nỗ lực của đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng Nhân dân trong chấp hành, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu; tích cực phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động phong trào, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động.

Đảng viên xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi hướng dẫn người dân cách nuôi bò nhốt chuồng
Đảng viên xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi hướng dẫn người dân cách nuôi bò nhốt chuồng

Ông A Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Với tinh thần trách nhiệm cao của các đảng viên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Riêng huyện có 03 xã biên giới là Đăk Nhoong, Đăk Plô, Đăk Long thì ngoài việc góp phần đảm bảo an ninh trật tự thì các đảng viên còn làm rất tốt công tác vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tinh thần trách nhiệm của những người đảng viên, tin rằng đời sống của Nhân dân ở 13 xã biên giới tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục có sự đổi thay và Nhân dân sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay, góp sức cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xây dựng thế trận lòng dân, đối ngoại Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các địa phương từng bước ổn định an sinh xã hội.