Người có uy tín Hồ Xoi (thứ 2 từ trái qua phải) luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở bảnTiên phong đưa lúa nước về bản
Mất hơn một giờ đồng hồ đi qua chín ngầm tràn và nhiều con dốc dựng đứng, bản Dộ – Tà Vờng hiện ra giữa thung lũng bồng bềnh mây trắng. Đây là bản có 100% đồng bào Chứt sinh sống, thuộc xã Trọng Hóa, huyện biên giới Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Toàn bản hiện có 99 hộ, với 445 nhân khẩu, bà con chủ yếu phát triển kinh tế rừng.
Đón chúng tôi trong đợt nắng đầu mùa oi ả, Trưởng bản Hồ Khiên (62 tuổi) phấn khởi chia sẻ: Nhờ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nên đời sống đồng bào ngày càng khởi sắc. Nhà cửa, điểm trường học rồi đến các tuyến đường trong bản đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
“Hiện nay, trẻ em trong bản không còn phải đi học xa và bỏ học vào những ngày mưa lớn nữa khi đã có một điểm trường tiểu học ngay tại bản. Ngoài ra, còn có lớp mẫu giáo cho con trẻ. Con cháu đến trường để kiếm lấy cái chữ nên ai ai cũng mừng cái bụng lắm”, ông Khiên cho hay.

Để dân hiểu, dân tin và làm theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì bản thân mình phải thật sự uy tín. Mình phải là người làm gương, phải đi đầu trong tất cả các phong trào ở địa phương”.
Ông Hồ Xoi, Người có uy tín ở bản Dộ - Tà Vờng
Qua câu chuyện lãnh đạo UBND xã Trọng Hóa chia sẻ, chúng tôi vô cùng khâm phục khi biết ông Hồ Khiên cũng chính là người đầu tiên đưa lúa nước về bản Dộ - Tà Vờng để canh tác từ năm 2019. Nhờ mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, mô hình lúa nước của ông Khiên đã đem lại nguồn lương thực phục vụ cho nhu cầu gia đình. Đây là thành quả không chỉ giúp gia đình ông có đủ gạo ăn cả năm mà còn mở ra hướng sản xuất mới ở bản Dộ - Tà Vờng.
Chúng tôi vui hơn khi biết sau khi ông Khiên sản xuất lúa nước thành công, ở bản làng này đã có 10 hộ làm theo để có nguồn lương thực tự cung, tự cấp, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Chia tay ông với cái nắm tay thật chặt, ông Khiên phấn khởi nói: “Vợ chồng mình có 6 người con, 4 cháu đã lập gia đình. Mình đã học được cách trồng rừng, trồng lúa, nuôi gà... để phát triển kinh tế. Có nguồn thu nhập nên không còn phải lo cái đói, cái nghèo”.
“Điểm tựa” của bản làng
Đến nhà ông Hồ Xoi, Người có uy tín ở bản Dộ - Tà Vờng, chúng tôi được biết ông không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con về cách chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng, đầu tư chuồng trại để đạt năng suất, thu nhập cao; góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây.
Với vai trò là Người có uy tín ở bản, ông Hồ Xoi luôn vận động các cháu đi học đầy đủ, chuyên cần. Khi biết cháu nào có ý định nghỉ học, ông bền bỉ đến tận nhà để vận động gia đình đưa cháu đến trường. Những trường hợp khó, ông đã đề xuất với Bộ đội Biên phòng cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động các cháu đến trường. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, ở bản không có học sinh nào bỏ học giữa chừng.
Bản Dộ - Tà Vờng nằm giữa thung lũng bồng bềnh mây trắngDộ - Tà Vờng là một trong những bản nằm trên hành lang biên giới Việt - Lào. Do đó, ông Hồ Xoi còn tuyên truyền cho đồng bào nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đường biên, cột mốc quốc gia. Hằng tháng ông phối hợp với chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đi tuần tra đường biên, cột mốc. Ông cũng vận động bà con phối hợp với lực lượng Biên phòng đi tuần tra định kỳ trên tuyến biên giới.
Chiều xuống, bản Dộ - Tà Vờng khuất dần sau bóng đỉnh Giăng Màn hùng vĩ. Thời điểm này cũng là lúc chúng tôi phải trở lại cung đường độc đạo nhiều ngầm tràn, dốc đứng để về xuôi.
Với việc phát huy nội lực của đồng bào Chứt cùng những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước như: Xây trường học, kéo điện lưới quốc gia đến tận thôn bản xa xôi, hỗ trợ sản xuất..., chúng tôi tin rằng rồi một ngày không xa, đồng bào Chứt ở bản Dộ - Tà Vờng nói riêng và ở xã biên giới Trọng Hóa nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ.