Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những điểm sáng trong lĩnh vực giáo dục vùng DTTS: Hiệu quả từ mô hình Trường học đa văn hóa (Bài 1)

Thuỳ Anh - 10:53, 19/09/2022

Đưa văn hóa, lịch sử của địa phương vào chương trình giảng dạy là một mô hình được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai khuyến khích từ năm 2012. Hiện, mô hình đã và đang được nhân rộng ra ở hầu hết các trường tiểu học, THCS và THCS bán trú trên địa bàn. Trong đó, mô hình Trường học đa văn hóa đã đem lại những hiệu ứng khá tích cực. Thành công bước đầu phải kể đến Trường THCS số 1 xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Câu lạc bộ hát then của học sinh trường THCS số 1 xã Phú Nhuận được sự kèm cặp của các nghệ nhân then Tày xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai
CLB hát Then của học sinh trường THCS số 1 xã Phú Nhuận được sự kèm cặp, hướng dẫn của các nghệ nhân then Tày xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

Môi trường sư phạm đa sắc màu

Hòa mình cùng các em học sinh Trường THCS số 1 xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi thấy mình như được trở lại tuổi thơ bởi tiếng học sinh hò reo, ùa ra khỏi lớp sau tiếng trống báo hiệu hết tiết học.

Giờ ra chơi, sân trường náo nhiệt nhất ở khu vực nhóm học sinh chơi đẩy gậy, nhóm khác thì hò reo xem các anh chị lớp 9 thi đi cà kheo và kéo co, thi ném còn. Đây là những trò chơi truyền thống của đồng bào DTTS ở Tây Bắc, thường được chơi vào các dịp lễ hội lớn trong năm.

Đặc biệt nhất, trong khuôn viên trường có một ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp lá cọ truyền thống của dân tộc Tày, có biển gỗ ghi dòng chữ “Trường học đa văn hoá”. Từ dưới lên trên, nhà sàn này được trang trí nào là cày bừa, nào là thúng mẹt, nan quạt, rồi đến cả mành nứa…

Chúng tôi quan sát thấy một nhóm học sinh đang say sưa hát then với đàn tính và chuông đồng, nhóm khác thì đang học thêu. Nhưng độc đáo ở chỗ, người đang dạy cho các em là những người cao niên, mặc trang phục người Tày. Còn người hướng dẫn các em thêu những nét thêu truyền thống của người Dao đỏ, lại là một phụ huynh của các em.

Em Đoàn Ngọc Ánh, học sinh lớp 9 (dân tộc Tày) chia sẻ: “Ngày bé ở nhà em được mẹ và các bà dạy hát Then, nhưng ngày bé chỉ biết hát thôi, em cũng không hiểu lắm. Nhưng tham gia câu lạc bộ (CLB) của Trường, em được các ông bà nghệ nhân dạy nhiều bài hát hơn, em còn được học đàn tính và đánh chùm nhạc nữa, em thấy tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình hơn”.

Theo tiếng trống vào lớp, tôi ghé thăm một lớp đang trong giờ mỹ thuật, thầy giáo dạy các em về nét thêu quả trám ứng dụng vào các họa tiết trên trang phục người Dao đỏ. Trong lớp học, ngoài đồng phục của trường, các em còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, các em rất đoàn kết và chan hòa với nhau, những giờ học thú vị trôi qua nhanh chóng.

Giờ mỹ thuật của thầy và trò lớp 7A3, học về các nét vẽ hình quả trám ứng dụng trong thêu trang phục người Dao đỏ
Giờ mỹ thuật của thầy và trò lớp 7A3, học về các nét vẽ hình quả trám ứng dụng trong thêu trang phục người Dao đỏ

Thầy Hiệu trưởng, Đặng Thành Chung chia sẻ, “chúng tôi đưa ứng dụng những văn hóa truyền thống vào khoảng 50 tiết học chính khóa các môn học Lịch sử, Thể dục, Mỹ thuật; ngoài ra còn lồng ghép vào các môn học như Ngữ văn, kỹ thuật… thành lập các CLB hát Then, CLB thêu, CLB thể thao cho các em cùng tham gia. Những tiết học ngoại khóa, chúng tôi mời các nghệ nhân ở xã đến dạy các em học hát, chơi đàn, nấu ăn và thêu may, đan lát”.

Xã Phú Nhuận có khoảng 60% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Dao đỏ và người Tày. Mục tiêu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời giúp học sinh tăng thêm kỹ năng sống. Được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và giúp đỡ của ngành và chính quyền xã, năm 2019 nhà trường triển khai mô hình trường học đa văn hóa.

Thầy Đặng Thành Chung cho biết: “Tập thể sư phạm Nhà trường đã cùng nhau sưu tầm những nét văn hóa đồng bào DTTS trên địa bàn, tổng hợp, xây dựng thành 50 tiết học chính khóa. Nhà trường cũng đã xã hội hóa được ngày công và vật liệu để dựng được ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày - không gian sinh hoạt ngoại khóa của các em học sinh”.

Những trái ngọt đầu mùa...

Để có được bộ giáo án dạy các nét thêu truyền thống của người Dao đỏ, thầy giáo Hà Mạnh Hùng, giáo viên dạy mỹ thuật đã tận dụng những kỳ nghỉ Hè, không về quê với gia đình, mà đi vào các thôn bản của các đồng bào Dao để tìm hiểu văn hóa thêu may trên trang phục. Sau đó thầy tích hợp với vốn sư phạm sẵn có để xây dựng thành bộ giáo án cho môn Mỹ thuật.

Thầy Hùng vui vẻ chia sẻ: “Đường vào bản xa xôi có những ngày mưa, ngày nắng gập ghềnh khó đi. Khi vào bản tôi cũng may mắn gặp được một số phụ huynh nhiệt tình dạy mình các nét thêu rất tỉ mỉ, tôi tổng hợp lại thành những tiết học để các em dễ hiểu và dễ thực hành. Tôi còn được một gia đình người Dao tặng lại cho bộ trang phục truyền thống, nay dùng làm tư liệu cho môn học của các em”.

Những điệu múa Then cũng được Nhà trường đưa vào bài thể dục giữa giờ của học sinh. Ngoài ra còn có một số trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, ném còn và đi cà kheo, cũng được lồng ghép vào trong môn học giáo dục thể chất. Khi học sinh yêu thích văn hoá và đạt kết quả cao trong các môn học mới, hoa “hạnh phúc” đã nở trong tâm những người thầy.

Thầy Phạm Văn Hưng giáo viên dạy Giáo dục thể chất chia sẻ: “Tôi không phải người địa phương, lại là người Kinh, nên phong tục tập quán của đồng bào trong xã tôi không nắm được nhiều, nhất là các điệu nhảy hay các trò chơi dân gian. Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã mất khá nhiều thời gian để đến các thôn bản, vào từng nhà dân, nhờ các nghệ nhân dạy múa Then, rồi ném còn, đẩy gậy… bản thân mình phải là người thành thục các kỹ thuật, sau đó mới đủ dữ liệu tổng hợp lên giáo án và truyền thụ lại cho các em. Trong năm học vừa qua các em đạt kết quả cao và say sưa với các môn văn hóa, chúng tôi rất hạnh phúc”.


Cô Triệu Thị Thim - phụ huynh học sinh dân tộc Dao đỏ dành thời gian tham gia hướng dẫn các em học sinh trong giờ sinh hoạt của CLB thêu
Cô Triệu Thị Thim - phụ huynh học sinh dân tộc Dao đỏ dành thời gian tham gia hướng dẫn các em học sinh trong giờ sinh hoạt của CLB thêu

Chia sẻ với chúng tôi, em Triệu Phúc Lý học sinh lớp 9 của Trường (học sinh đã đoạt giải nhất môn đẩy gậy trong hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lào Cai năm 2021) cười vui vẻ: “Đẩy gậy là một trong các môn thể dục của chúng em. Ở nhà em cũng được bố và anh trai dạy, thi thoảng em có tham gia các lễ hội của xã. Đến Trường, thầy giáo dạy rất kỹ về kỹ thuật cầm gậy, cách giữ sức và tấn công làm sao để mình không bị mất sức mà giành giải cao”.

Xúc động khi lễ hội dân tộc được đông đảo thế hệ măng non tham gia, bà Hoàng Thị Hạnh, một phụ huynh học sinh Nhà trường rất vui khi chia sẻ về con của mình: “Ngày xưa, mỗi lần Tết đến hay ngày lễ hội của thôn, bắt con mình mặc quần áo truyền thống đã rất khó khăn, không nói gì đến dạy chúng biết làm các món ăn dân tộc và tham gia trò chơi. Nhưng nay con mình chải chuốt để mặc bộ quần áo truyền thống đi lễ hội, lại còn hăng hái tham gia các trò chơi dân gian, nhận làm cơm lam và xôi màu, tôi rất biết ơn Nhà trường và tự hào về văn hóa dân tộc mình”.

Ông Lương Văn Hoạch - nghệ nhân người Tày thôn Tân Lộc, xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “CLB hát Then của chúng tôi có 33 hội viên sinh hoạt nhiều năm nay rồi, toàn là người già cùng sinh hoạt và biểu diễn ở các lễ hội của thôn, xã. Chúng tôi đã rất lo lắng vì giới trẻ ngày nay không còn đam mê với văn hóa truyền thống nữa. Nhưng mấy năm gần đây, được Trường mời về dạy cho các cháu các điệu múa, hát Then và chơi đàn tính, các cháu tiếp thu rất nhanh, tôi tin rằng nhờ mô hình Trường học này mà văn hóa truyền thống sẽ được thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy”.