Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đòn bẩy phát triển vùng DTTS

Vân Khánh - 21:04, 24/04/2024

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025. Với trọng tâm ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng DTTS và miền núi, đến nay hệ thống đường giao thông nông thôn cũng như các công trình thiết yếu đã từng bước được kiện toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Hệ thống hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thái Nguyên đang từng bước được đầu tư, xây dựng, kiện toàn.
Hệ thống hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thái Nguyên đang từng bước được đầu tư, xây dựng, kiện toàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025, tính đến cuối năm 2023, tỉnh đã phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình hơn 663 tỷ đồng, phân bổ giao dự toán ngân sách địa phương hơn 95 tỷ đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân. Theo đó, tính riêng năm 2023, với nguồn lực được giao, toàn tỉnh đã có 96 công trình với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng được xây dựng tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Ghi nhận tại huyện vùng cao Võ Nhai cho thấy, địa phương đã triển khai 10 dự án, 11 tiểu dự án và nhiều nội dung chính sách thành phần. Trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện đã ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; kênh mương thủy lợi; chợ xã; trạm y tế; trường học; nhà văn hóa; sân thể thao.. Theo đó, tính đến nay huyện Võ Nhai đã có 43 công trình đã, đang được triển khai và phát huy hiệu quả trong đời sống nhân dân.

Ông Dương Văn Sình, Trưởng xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ phấn khởi chia sẻ: “Xóm Trung Sơn có hơn 110 hộ dân, trong đó có trên 50% số hộ là đồng bào Mông sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về mọi mặt, đời sống người dân đã, đang dần đổi thay. Đến nay, cơ sở hạ tầng của xóm đã tương đối đầy đủ, đường giao thông được trải bê tông cứng hóa, giúp đi lại thuận tiện; nhà văn hóa, trường mẫu giáo được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu mọi mặt của cuộc sống… bà con ai cũng vui mừng, yên tâm phát triển kinh tế". 

Chương trình 1719 được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Thái Nguyên.
Chương trình 1719 được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Thái Nguyên.

Tương tự, tại huyện Đồng Hỷ, năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 (thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4 và Tiểu dự án 1 của Dự án 5 với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng), huyện đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 23 công trình hạ tầng. Nhờ đó, điều kiện sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện.

Xóm Lân Đăm là xóm đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Quang Sơn huyện Đồng Hỷ. Xóm có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 22 hộ dân và 108 nhân khẩu. Trong đó có tới 18 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Về điều kiện giao thông đi lại còn gặp trở ngại, nước sinh hoạt cũng rất thiếu thốn... Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, với kinh phí 215 triệu đồng của nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, con đường trục chính của xóm đã được cải tạo, nâng cấp. Mặt đường được mở rộng từ 2m lên trên 3,5m. Đồng thời, công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân trong xóm cũng được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lên với sức chứa 8m3… đem lại điều kiện sống, lao động sản xuất tốt hơn cho người dân.

Còn tại huyện Định Hóa, trong 2 năm 2022 và 2023, với nguồn vốn gần 70 tỷ đồng từ chương trình MTQG 1719 và các chương trình chính sách khác, huyện cũng đã đầu tư 135 công trình tại 13 xã, trong đó 50% số công trình đã được đưa vào sử dụng. Trong đó, có 37 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống trong vùng đồng bào DTTS và MN…

Trao đổi về hiệu quả nguồn vốn CTMTQG 1719 đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Những năm qua, nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS và MN của tỉnh cơ bản đã được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Năm 2024, hàng chục công trình cũng đang tiếp tục được đầu tư xây mới, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng khó.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; tỷ lệ học sinh các cấp (từ mầm non đến trung học cơ sở) được đến trường đều đạt trên 99%. 100% xã có trạm y tế trong đó có có trên 90%...

Nhờ đó, kết thúc năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi tại tỉnh Thái Nguyên giảm 2,1%, giảm cao hơn so mục tiêu đề ra 0,1%. Tỉnh cũng có thêm 05 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN đã về đích đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025, mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đưa 8 trong số 15 xã đặc biệt khó khăn hiện nay ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, giảm 25 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.