Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Những khuyến cáo cảnh báo với "bẫy” du lịch giá rẻ

Trương Vui - 16:05, 06/07/2023

Nắm bắt nhu cầu du lịch tăng đột biến trong mùa cao điểm, nhiều đối tượng lừa đảo đã trà trộn, tung ra chiêu bài bán, thanh lý Combo du lịch giá rẻ, từ đó “móc túi”, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trên thực tế, không ít người vì nhẹ dạ cả tin, đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo này, dẫn đến mất tiền trong ngậm ngùi xót của.

Mỗi du khách nên là những người tiêu dùng thông minh, cảnh giác, tìm hiểu thông tin, lựa chọn những sản phẩm du lịch thực sự
Mỗi du khách nên là những người tiêu dùng thông minh, cảnh giác, tìm hiểu thông tin, lựa chọn những sản phẩm du lịch thực sự

Nhận trái đắng từ lời mời chào du lịch giá rẻ

Để phục vụ nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa Hè nắng nóng, các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ cũng nhanh chóng kết hợp tung hàng loạt các sản phẩm Combo du lịch để kích cầu tiêu dùng. Về bản chất, việc mở bán các gói du lịch là phương pháp kích thích tiêu dùng, bởi thay vì việc phải mua riêng lẻ, du khách thường sẽ mua cả gói gồm nhiều dịch vụ với giá ưu đãi hơn, từ đó gia tăng việc tiêu dùng của khách hàng.

Không thể phủ nhận, đây chính là công cụ hữu hiệu nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch trọn gói tiện lợi đến đông đảo du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch được các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp uy tín đưa ra, thì không ít người đã “vỡ mộng” khi gặp phải những Fanpage giả lừa đảo, với những lời mời chào, dịch vụ hấp dẫn.

Mặc dù Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng từng nhiều lần khuyến cáo người dân về Combo du lịch giá rẻ, tiết kiệm chi phí lên tới 30 - 50% so với giá gốc. Nhưng trước những hứa hẹn, cùng nhiều tiện ích đi kèm, nhiều khách hàng vẫn “sập bẫy”.

Thực tế, không ít du khách vì mất cảnh giác mà trở thành nạn nhân của những chiêu trò này. Sau khi tin tưởng và chuyển khoản tiền đặt cọc, thậm chí là toàn bộ giá trị Combo cho người rao bán, khách hàng mới nhận ra mình bị lừa, bởi các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng cao chạy xa bay, chặn số điện thoại, xóa tài khoản mạng xã hội và cắt đứt mọi phương thức liên lạc.

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, chiêu bài chung của những đối tượng lừa đảo là đều đánh vào tâm lý ham rẻ, chủ quan của du khách, chẳng hạn là hứa hẹn còn phòng trong những ngày cao điểm hoặc đặt được những khách sạn View đẹp, ở vị trí trung tâm... mà các đại lý khác không đặt được.

Tinh vi hơn, các đối tượng này còn giả mạo những đường Link, tài khoản của những trang du lịch uy tín, trong quá trình “chèo kéo” khách hàng còn cố tình bày ra nhiều tương tác, bình luận ảo, đánh giá tích cực hay cả lịch sử giao dịch, để chứng minh rằng, trước đó đã có rất nhiều khách hàng sử dụng và hài lòng với dịch vụ này. Từ đó, dễ dàng chiếm được lòng tin của khách hàng và thuận lợi thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam (VISTA), hành vi trái pháp luật này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng, gây khó khăn cho các công ty lữ hành đang triển khai các sản phẩm tương tự, làm nhiễu loạn thị trường du lịch. Quan trọng hơn, điều này còn tạo ra sự hoài nghi của du khách, đối với những sản phẩm kích cầu du lịch thực sự, từ đó tác động tiêu cực đến hình ảnh của ngành Du lịch Việt Nam.

Mỗi khách hàng cần biết cách tự bảo vệ chính mình, tránh "sập bẫy" lừa đảo du lịch
Mỗi khách hàng cần biết cách tự bảo vệ chính mình, tránh "sập bẫy" lừa đảo du lịch

Du khách cần là những người tiêu dùng thông minh

Theo thống kê mới nhất của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực du lịch, hoạt động giả mạo, lừa đảo du khách qua mạng nói chung nhằm chiếm đoạt tài sản, đã diễn ra nhiều năm nay, tại nhiều tỉnh, thành và các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước.

Đặc biệt, trong chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến", Cục An toàn thông tin đã đưa "Combo du lịch giá rẻ" lên vị trí đầu tiên trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được cảnh báo.

Điều đáng nói, do hành vi lừa đảo này được thực hiện thông qua mạng xã hội, nên việc xác định danh tính đối tượng và điều tra hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ những nạn nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy theo ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Vietfoot Travel, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam, khách hàng trước tiên hãy lã những người tiêu dùng thông thái, cảnh giác, tìm hiểu, xác thực thông tin, thậm chí đến tận nơi để làm việc, ký kết hợp đồng trực tiếp.

Để tránh những hệ lụy đáng tiếc từ các thủ đoạn lừa đảo du lịch, Bộ Công an cũng khuyến cáo, người dân nên lựa chọn dịch vụ đặt Tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín; có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch. Đặc biệt, thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Cùng với đó, chú ý các dấu hiệu nhận biết Website, tên miền giả mạo. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đối với các trang mạng xã hội hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

Ngoài ra, khách hàng cần lưu ý xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Tin cùng chuyên mục