Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những lớp học bảo tồn văn hóa ở Nam Đông

Minh Ngọc - 11:20, 22/12/2022

Những lớp truyền dạy cồng chiêng, múa tung tung da dá được thực hiện và duy trì thường xuyên thời gian qua, đang góp phần tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Các nghệ nhân truyền dạy các bài múa cho các học viên
Các nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật múa cho học viên

Từ các lớp học ở làng...

Với người làng Cơ Tu trên bạt ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cồng chiêng hay điệu múa tung tung da dá, đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay. Đến nay, nhiều buôn làng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như các lễ hội mừng lúa mới, mừng giọt nước, cưới hỏi, bỏ mả, dựng nhà Gươl… Những lễ hội đó, cũng không thể thiếu cồng chiêng. Khi đánh và nghe lại các bài chiêng cổ, dân làng như thấy được cội nguồn của mình, như có thêm được sức mạnh, niềm tin hơn vào cuộc sống mới.

Múa tung tung da dá của người Cơ Tu các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Tại huyện Nam Đông, nơi người Cơ Tu sinh sống có nhiều loại hình văn hóa đặc sắc, trong đó có điệu múa tung tung da dá, hát lý nói lý.

Nhưng trong thời gian qua, người dân chưa có nhiều ý thức về việc gìn giữ, quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh, thế hệ trẻ dường như không còn mấy mặn mà với loại hình sinh hoạt truyền thống này.

Trước những nỗi lo đó, chính quyền huyện Nam Đông cũng đề ra nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó, việc mở lớp truyền dạy những bài trống, chiêng, những điệu múa tung tung da dá, hát lý nói lý… cho học sinh, thanh niên là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu. 

Sau hơn 1 tháng học tập, lớp truyền dạy các điệu múa truyền thống tung tung da dá do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông phối hợp với xã Thượng Lộ tổ chức, đã bế giảng chiều ngày 13/12 tại nhà Gươl thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế). Lớp học diễn ra từ ngày 9/11 đến 12/12, với sự tham gia của 20 học viên là nam, nữ thanh niên dân tộc Cơ Tu trên địa bàn.

Trao chứng nhận tại lớp dạy múa tung tung da dá cho học viên ở huyện Nam Đông
Trao chứng nhận tại lớp dạy múa tung tung da dá cho học viên ở huyện Nam Đông

Học viên đã được các nghệ nhân truyền dạy những bài múa truyền thống cơ bản; bài múa thường được sử dụng trong các lễ hội, như: Lễ hội mừng lúa mới, mừng đón khách, lễ hội đâm trâu, múa trong lao động sản xuất; múa sạp; hát múa trong giao duyên; trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc…

Thượng Lộ là xã định canh định cư, với phần lớn người dân là bà con dân tộc Cơ Tu. Hiện nay, địa phương đang tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng gắn với phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Vì thế, thông qua lớp truyền dạy các điệu múa truyền thống này sẽ giúp địa phương xây dựng đội ngũ kế cận biết các bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu tham gia hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống đón tiếp, phục vụ du khách đến tham quan cũng như phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước.

Đồng thời, góp phần lan tỏa đến Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, bản sắc dân tộc đồng bào Cơ Tu cho hôm nay và mai sau.

Đến bảo tồn để phát triển 

Trong những ngôi nhà Gưol truyền thống, hay dưới những bóng cây cổ thụ của buôn làng, những nghệ nhân Cơ Tu lớn tuổi say sưa truyền dạy cồng chiêng hoặc những điệu múa cho lớp trẻ. Nhờ đó, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu được bảo tồn và phát huy. Vì lớp học diễn ra trong thời gian dài, nên những nghệ nhân đều lựa chọn các bài múa từ dễ đánh đến khó đánh để truyền dạy cho các em học sinh và thanh niên.

Các nghệ nhân phấn khởi trao truyền lại văn hóa cho những người trẻ
Các nghệ nhân phấn khởi trao truyền lại văn hóa cho những người trẻ

Ngoài việc được truyền dạy những bài múa của dân tộc mình, tại lớp học, các bạn trẻ còn được thế hệ đi trước truyền dạy về những truyền thống tốt đẹp của dân làng gắn liền với văn hóa, rồi được cử đội múa của làng tham gia các lễ hội trong làng và các làng xung quanh có người qua đời hoặc có việc lễ hội, cưới hỏi. Đồng thời, thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa với các địa phương khác. 

Việc truyền dạy các bài múa tung tung da dá cho thế hệ sau, luôn được những nghệ nhân tâm huyết ở nơi này duy trì, cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Nam Đông đã tổ chức 3 lớp truyền dạy, gồm: Nhạc cụ, điêu khắc và lớp hát múa truyền thống với 70 học viên là nam, nữ thanh niên người Cơ Tu tham gia.

Ông Lê Nhữ Sửu - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông chia sẻ: Chủ trương của huyện giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các ngành liên quan, mở các lớp này là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần quan trọng trọng việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Cơ Tu đến với du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến Tây Giang.

"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Cơ Tu.Trong đó, hằng năm, tiếp tục mở lớp truyền dạy cho các xã, các khu dân cư trên địa bàn huyện", ông Sửu cho biết.

Bên cạnh học chữ, các học sinh được trao truyền nét văn hóa của dân tộc, từ đó sẽ trở thành nhân tố quan trọng để gìn giữ, lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể tới lớp trẻ và cộng đồng địa phương. Đây cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cùng với đó, với mục tiêu đào tạo để “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, ngày 16/12/2022 vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông đã phối hợp UBND xã Thượng Lộ, tổ chức lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Thượng Lộ.

Nam Đông tổ chức lớp tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng cho bà con dân tộc Cơ Tu.
Huyện Nam Đông tổ chức lớp tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng cho bà con dân tộc Cơ Tu.

Tham gia lớp tập huấn, có 40 học viên là người dân tộc Cơ Tu là thành viên HTX Du lịch cộng đồng thác Kazan (thôn Dỗi), cùng các hộ kinh doanh Homestay, cũng như người dân địa phương đã và đang kinh doanh, phục vụ ngành nghề dịch vụ du lịch đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn xã Thượng Lộ. Lớp tập huấn được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 16 - 18/12/2022, trong đó có 2 ngày học trên lớp và 1 ngày học viên thực hành tại các điểm du lịch.

Đây là lớp tập huấn thứ 2 được tổ chức trên địa bàn huyện, qua đó nhằm đào tạo về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch cho đội ngũ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch - văn hóa, những người sẽ trực tiếp giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan, văn hóa và con người xã Thượng Lộ nói riêng và huyện Nam Đông nói chung đến với du khách. 

Đồng thời, xây dựng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cộng đồng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của huyện Nam Đông. Nhằm từng bước thực hiện dự án 6 nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.