Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vũ điệu da dá của người Cơ Tu trong thời kỳ hội nhập

Hồng Phúc - Văn Sơn - 09:11, 15/11/2022

Về Quảng Nam, du khách sẽ được thưởng thức “đặc sản” văn hoá – điệu múa da dá của người Cơ Tu, được bà con gìn giữ trao truyền từ đời này sang đời khác. Vũ điệu da dá được xem như là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, gửi gắm khát vọng sống ngàn đời của những người con nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Về Quảng Nam xem vũ điệu dâng trời
Thanh niên nam nữ người Cơ Tu cùng uyển chuyển trong vũ điệu tân tung – da dá

Vũ điệu riêng có của người Cơ Tu

Từ lâu, múa là một trong những nghệ thuật không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Cơ Tu. Múa da dá là vũ điệu của nữ giới, có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều. Điệu múa mang ý nghĩa tâm linh đội ơn trời đất. Bà Zơrâm Bằng (58 tuổi), một phụ nữ trong thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang cho biết, múa là một trong những hoạt động nghệ thuật được ưa thích nhất của người Cơ Tu. Nam hay nữ người Cơ Tu khi biết chạy nhảy thì đã biết múa. Ngay cả bà\ hồi còn nhỏ, hằng năm vào mùa lễ hội, thấy các mẹ, các chị trong làng múa da dá rất đẹp, là bà rất thích và tập múa theo.

Bà Bằng miêu tả, điệu múa da dá rất lung linh uyển chuyển, như cây lau trước gió, như dòng suối mượt mà uốn quanh. Khi múa, đôi chân của người phụ nữ đứng thẳng khoan thai, đôi tay vươn lên không quá đầu, bàn tay đưa theo hướng sau lưng như chống đỡ cả bầu trời giống như đôi sừng trâu - biểu tượng “đầu trâu móng nước". Như một cách để kết nối giữa thế giới thực với đấng thần linh, điệu da dá của người Cơ Tu còn thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng

Da dá còn được gọi là “Vũ điệu dâng trời”, thường được biểu diễn trong các lễ hội lớn của người Cơ Tu như: lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl,… Điệu múa da dá đã chứng kiến những người con Cơ Tu suốt cả một vòng đời từ khi sinh ra đến khi về với đất.

Điệu múa da dá còn là niềm kiêu hãnh dành cho phụ nữ Cơ Tu với những phẩm chất tốt đẹp, một mực chung thủy thương chồng yêu con, yêu núi rừng, vì sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng. 

 1
Vào mùa lễ hội những em gái Cơ Tu cũng theo mẹ, chị hoà chung vào vòng da dá.

Những cô gái, phụ nữ Cơ Tu trong những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, với đôi vai trần, cổ đeo mã não và những chuỗi cườm nhiều màu sắc với những nhịp uyển chuyển, nhẹ nhàng đã cuốn mọi người cùng hòa theo điệu múa. Qua điệu múa da dá, người phụ nữ đã gửi gắm biết bao vui buồn và hy vọng, truyền cho người thân, anh em sức mạnh để thích ứng với nắng gió đại ngàn.

Da dá vẫn luôn chảy như dòng sông Bung

Từ những động tác múa của người dân Cơ Tu, cố nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly và Nghệ sĩ ưu tú Ngân Quý, đã biên đạo tác phẩm múa Cơ Tu đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Vũ điệu ấy còn được mang đi biểu diễn trong các cuộc giao lưu nghệ thuật quốc tế, vượt biên giới Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Điều đó chứng tỏ, múa dân gian dân tộc Cơ Tu nói chung và múa da dá nói riêng, đã khẳng định được giá trị nghệ thuật trong đời sống văn hóa.

 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số: 2684/QĐ-BVHTT ngày 25/8/2014 đưa điệu múa da dá của người Cơ Tu 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) vào Danh mục di sản văn hóa vật thể - phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào không riêng gì với người Cơ Tu Quảng Nam mà còn với cả cộng đồng các dân tộc trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung.

Hiện nay, múa da dá của người Cơ Tu được bảo tồn, phát huy ở chính nơi đã khai sinh ra nó thuộc 3 huyện: Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam). Điệu da dá không còn bó hẹp trong phạm vi thôn làng nữa. Thời gian qua, vũ điệu da dá ấy trở thành màn trình diễn ấn tượng ở các lễ hội, hội thi, hội diễn được tổ chức như: Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản, các lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam và nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức như liên hoan “Âm vang cồng chiêng”, đến liên hoan khu vực, toàn quốc mang lại nhiều cảm xúc.

Già làng Y Kông (91 tuổi) ở thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện miền núi Đông Giang chia sẻ, nhiều năm nay, Nhà nước cũng đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ bằng các dự án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Nhờ đó, nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu đã được nâng niu, gìn giữ và phát triển như ngày nay. Thế hệ chúng tôi rất mừng, tuy nhiên, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị cũng cần chú ý  tư duy bảo tồn mới, kể cả việc “sân khấu hoá” điệu múa da dá thì vẫn phải giữ được hồn cốt, tinh thần nguyên bản của nó.

"Con cháu người Cơ Tu cần phải tiếp nối, giữ gìn mạch nguồn di sản của dân tộc mình. Trong cuộc sống có những điều có thể mất đi, nhưng vũ điệu da dá gửi gắm khát vọng vươn lên ngàn đời của cộng đồng người Cơ Tu, thì phải giữ cho nó luôn xanh mãi như tán rừng và chảy mãi như dòng sông Bung, A Vương của quê hương Quảng Nam", già làng Y Kông ví von. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.