Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những nghệ nhân làm sống dậy dòng tranh Đông Hồ

Nguyệt Anh - 06:19, 27/03/2024

Làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Trong dòng chảy đời sống hiện đại, dòng tranh Đông Hồ từng đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn 3 gia đình tâm huyết, bám trụ với nghề. Trong 3 gia đình này, có 3 nghệ nhân được coi là “di sản sống” của làng tranh Đông Hồ, đó là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Đăng Chế, NNƯT Nguyễn Hữu Quả và NNƯT Nguyễn Thị Oanh.

 Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế chia sẻ về những bức tranh Đông Hồ. (Ảnh tư liệu)
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế chia sẻ về những bức tranh Đông Hồ. (Ảnh tư liệu)

Trăn trở làm sống lại dòng tranh Đông Hồ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gắn bó và yêu thích với tranh Đông Hồ từ khi 11 tuổi. Tuy nhiên, nghề làm tranh tại làng Hồ lúc bấy giờ gần như bị rơi vào quên lãng khi hầu hết các hộ gia đình ở đây chuyển sang làm nghề đồ gỗ, nhuộm giấy, đặc biệt là làm hàng mã. Đau đáu với nỗi lo mai một nghề làm tranh truyền thống, sau hơn 30 năm xa quê, ông Nguyễn Đăng Chế và các con cháu đã trở về làng quyết tâm vực dậy lại dòng tranh cổ.

Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ được gia đình ông thành lập, đi vào hoạt động cách đây hơn 15 năm. Tại đây có hơn 100 bản khắc gỗ cổ và gần 1.000 bản khắc mới được gia đình ông thu thập, lưu giữ từ năm 1992 đến nay. Đây là nơi chuyên khôi phục bản khắc cổ, sản xuất, dạy nghề cho con em địa phương và giới thiệu sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước, phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu và mua tranh Đông Hồ. Du khách khi tới tham quan được tận mắt tìm hiểu các công đoạn sản xuất tranh cũng như chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh Đông Hồ.

Tranh Đông Hồ được ứng dụng vào sản phẩm đương đại, mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh tư liệu)
Tranh Đông Hồ được ứng dụng vào sản phẩm đương đại, mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh tư liệu)

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, khác với các dòng tranh dân gian khác, tranh Đông Hồ có những điểm đặc biệt rất riêng, đó là sử dụng toàn bộ chất liệu thiên nhiên để làm tranh. Chẳng hạn giấy làm từ cây dó; màu trắng làm từ con điệp, nghiền nhỏ trộn với hồ nếp quét lên. Màu đỏ từ sỏi đỏ nhặt từ trên núi hay hoa hoè, nghiền nát. Màu đen làm bằng than của lá tre, xanh từ lá tràm... Những nguyên liệu này được trộn lẫn với nhau, sau đó sẽ hoà với một lượng bột nếp khi chuẩn bị đem in nhằm tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.

“Tôi thấy khó khăn nhất là việc tìm kiếm các con điệp để làm ra màu trắng, bởi không phải ở đâu cũng tìm được nguyên liệu này. Tôi phải thuê người lên sân bay Kép ở Bắc Giang để nhặt các các hòn sỏi về làm màu đỏ. Còn màu vàng được làm từ hoa hoè, một vị thuốc Bắc rất đắt. Ngoài ra, tôi cũng phải lên tận vùng đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Giang để tìm mua lá tràm về làm màu xanh. Khó nhất là việc đốt lá tre lấy than để làm màu đen, công đoạn này đòi hỏi kỹ thuật cao”, Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ.

Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đăng Chế đều theo nghiệp làm tranh dân gian
Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đăng Chế đều theo nghiệp làm tranh dân gian. (Ảnh tư liệu)

Để dòng tranh dân gian Đông Hồ bắt kịp xu thế hiện đại mà vẫn giữ nguyên các giá trị truyền thống, NNƯT Nguyễn Đăng Chế vẫn giữ nguyên các công đoạn truyền thống làm tranh, từ chất liệu, cách làm, đến màu sắc, kỹ thuật khắc ván, in tranh... . Ông chỉ thay đổi đề tài của tác phẩm để làm mới tranh Đông Hồ.

Nhiều người cứ bảo nghề làm tranh Đông Hồ đã “chết” nhưng tôi khẳng định nó sẽ được sống lại. Tôi rất vui mừng khi Đảng và Nhà nước quan tâm đến tranh Đồng Hồ. Tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO để dòng tranh này sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế

Cầu nối giữa truyền thống và hiện đại dòng tranh Đông Hồ

Trong làng tranh Đông Hồ, xưa kia có 17 dòng họ làm tranh dân gian, nay chỉ còn 2 dòng họ giữ nghề là dòng họ Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng. Là đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Hữu, hằng ngày, NNƯT Nguyễn Hữu Quả vẫn miệt mài bên những tờ giấy dó, cây bút vẽ và cái bàn in.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết, là con trai thứ của cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam, từ năm lên 7- 8 tuổi, ông Quả đã được gia đình cho tiếp xúc với nghề làm tranh Đông Hồ thông qua các công việc phụ giúp như tô màu, phơi tranh và thu dọn. 12 tuổi, ông đã quen với cách tô màu tranh, thuộc từng khuôn in các loại để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn nào in trước, khuôn nào in sau.Thấy ông yêu nghề, cha mẹ đã chỉ cho ông tô màu tranh từ dễ đến khó, bắt đầu từ màu vàng rồi mới đến các màu khác. Mỗi bức tranh, ông được hướng dẫn với nhiều công đoạn. Cách quét màu phải nhẹ nhàng, đều tay, sao cho màu thấm vào tranh không nhiều quá, không ít quá để bức tranh phẳng như lụa, màu không gồ ghề.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả (Ảnh tư liệu)
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả (Ảnh tư liệu)

Thường một bức tranh phải có 5 màu chủ đạo nên phải có 5 bản khắc, 5 lần in. Màu nhạt in trước, màu đậm in sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. In xong, mới in bản nét cuối cùng với đầy đủ các nét trong tranh (màu đen). Bản nét có nét to đậm, mềm mại bao quanh những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm bức tranh sắc nét. Khâu cuối cùng gọi là đồ tranh, tức là chấm sửa cho hoàn thiện. Nhanh mắt, nhanh tay lại chịu khó học nên dần dà ông thực hành không mấy khó khăn.

Được làm hoàn toàn thủ công với các công đoạn tỉ mỉ, vì thế những bức tranh ông Quả làm ra đều giữ được những tinh hoa, kỹ thuật của tranh Đông Hồ cổ. Những bản in gỗ gia đình ông coi như báu vật, có những bản in có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được ông và gia đình gìn giữ, như một cách thức tiếp nối nghề của cha ông.

Hiện nay, ngôi nhà 5 gian đã trở thành điểm trưng bày hàng trăm bản khắc cổ, những bức tranh lung linh sắc màu như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dòng tranh truyền thống. Cho dù có thời điểm thị trường đầu ra rất khó khăn nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và gia đình vẫn tiếp nối nghề của cha ông. Ngoài các bản khắc cổ điển của cha ông, trong những năm qua, NNƯT Nguyễn Hữu Quả đã sáng tạo thêm hàng nghìn bản phục chế và khắc mới. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng đã triển khai thực hiện ý tưởng xây dựng tour du lịch kết nối Đông Hồ tạo thành lộ trình hấp dẫn du khách.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả vẽ tranh dân gian chủ đề cá chép
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả vẽ tranh dân gian chủ đề cá chép (Ảnh tư liệu)

Không chỉ khôi phục dòng tranh, thu gom và sáng chế những bản khắc gỗ làm tranh theo phương thức truyền thống, NNƯT Nguyễn Hữu Quả và gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian và tìm đầu ra cho tranh Đông Hồ ở trong nước và trên thế giới. Năm 2015, gia đình đã trao tặng 26 tranh dân gian Đông Hồ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tạo điều kiện quảng bá di sản; chuyển sang Liên bang Nga để tham dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Năm 2018, gia đình đã thông qua phương tiện khoa học công nghệ hiện đại, liên hệ và gửi 169 bức tranh tham gia triển lãm quốc tế mang chủ đề “Sắc màu tranh dân gian Đông Hồ” tổ chức tại Thủ đô của Mỹ; và toàn bộ số tranh đã được du khách mua hết…

Chúng tôi đã tiến hành sáng tạo ra lịch tranh Đông Hồ, làm sổ tay, bưu thiếp giấy dó kết hợp với tranh Đông Hồ xen kẽ theo chương mục bên trong và thử nghiệm sáng tạo ra dòng tranh tô màu trên chất liệu giấy dó bên cạnh hai dòng tranh khắc gỗ và in nét thủy mặc truyền thống theo sự mở rộng kích cỡ, hình nét, kiểu dáng phù hợp với không gian ứng dụng trong ngôi nhà hiện đại”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả

Đặc biệt, nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cùng gia đình tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cho hàng nghìn học viên ở khắp mọi nơi trên cả nước yêu mến dòng tranh Đông Hồ. Tranh Đông Hồ cũng đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới trẻ nhiều hơn. Theo đó, một số bạn trẻ đã ứng dụng các hoa văn tranh dân gian vào lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ làm đậm đà thêm bản sắc truyền thống, góp phần tích cực vào câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…

Làm mới tranh Đông Hồ từ các chủ đề sáng tác mới

Xuất thân từ gia đình có mẹ làm tranh Đông Hồ, lại về làm dâu trong gia đình có truyền thống làm nghề tranh dân gian (bố chồng là cố Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nhiều năm làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề tranh Đông Hồ), NNƯT Nguyễn Thị Oanh được “truyền lửa” tình yêu di sản và luôn mang trong mình khát khao phát triển nghề.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với du khách quốc tế tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với du khách quốc tế tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh tư liệu)

Trân trọng những sản phẩm tranh được in thủ công từ ván gỗ, phối hợp màu sắc tự nhiên từ màu đỏ của đất, màu vàng hoa hoè, màu trắng từ vỏ sò điệp,… và những câu chuyện đậm tính nhân văn đằng sau những bức tranh ấy, NNƯT Nguyễn Thị Oanh không chỉ sưu tầm phục chế nghề truyền thống của ông cha để lại, mà còn sáng tác, sáng tạo nhiều chủ đề mới cho tranh dân gian Đông Hồ phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ đương đại để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. 

Trong số hơn 50 mẫu tranh hiện đại do nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh sáng tác có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi sản phẩm làng nghề tiêu biểu như: Giải thưởng dành cho sản phẩm được nhiều người yêu thích nhất tại Triển lãm làng nghề năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2013; Tác phẩm “Chùa Bút Tháp” đạt Huy chương Vàng tại Festival Bắc Ninh năm 2014; Giải A trưng bày sản phẩm làng nghề do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức năm 2015; Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch Bắc Ninh năm 2019...

Thấy bà con người Việt ở trong nước, kiều bào ở nước ngoài và du khách quốc tế trầm trồ yêu thích, trân trọng những tờ tranh điệp, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Đó cũng là nguồn động lực thôi thúc, khích lệ rất lớn để những người làm nghề thủ công truyền thống chúng tôi tiếp tục đam mê, tâm huyết gắn bó với nghề.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh

Nhiều năm qua, NNƯT Nguyễn Thị Oanh tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian tại các sự kiện quan trọng ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Hội nghị APEC năm 2006; sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU - 132; Chương trình giao lưu văn hóa với các nữ Đại sứ và phu nhân Đại sứ tại Tiên Du, Bắc Ninh năm 2015; Trưng bày, trình diễn nghề làm tranh tại Festival Quảng Nam lần thứ V với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới; Triển lãm Quốc tế các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN; tham dự Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO 2020 DUBAI; trình diễn, giới thiệu Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Lễ hội du lịch văn hóa Việt Nam tổ chức ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc)…

Dưới sự hướng dẫn, giới thiệu của NNƯT Nguyễn Thị Oanh, du khách quốc tế trầm trồ, ngưỡng mộ trước một dòng tranh dân gian đặc sắc, quý giá của người Việt Nam với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, mang phong cách sáng tạo độc đáo, không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Không những vậy, du khách còn được trải nghiệm in tranh, tìm hiểu sâu hơn về vẻ đẹp, phong tục văn hóa truyền thống cùng những ước mơ, khát vọng, triết lý sống của người Việt Nam thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc trên nền giấy dó lấp lánh sắc điệp của tranh Đông Hồ.

Hơn 50 năm sưu tầm, sáng tạo và sản xuất tranh dân gian, hiện nay, NNƯT Nguyễn Thị Oanh đã bước sang tuổi 63. Ngày ngày, bà vẫn cần mẫn làm nghề và truyền nghề, cùng con cháu nỗ lực gìn giữ, phát huy kho báu di sản mà cha ông để lại với ước nguyện giữ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sống mãi, để sắc màu dân tộc, tinh hoa văn hóa của đất nước và tâm hồn của người Việt ngày càng tỏa sáng với thế giới...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.