Trường Đại học Y Hà Nội có gần 130 sinh viên năm cuối làm đơn đăng ký tham gia tình nguyện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Những lá đơn các sinh viên viết bằng tay thể hiện đầy quyết tâm mong muốn tham gia chống dịch đã được gửi tới nhà trường từ tháng 2/2020, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nội dung những lá đơn tuy ngắn gọn, nhưng đã thể hiện ý chí quyết tâm chống dịch: “Chúng tôi hiểu rằng dịch Covid-19 rất nguy hiểm và khó kiểm soát. Chúng tôi sẵn sàng tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19, để san sẻ gánh nặng với đồng nghiệp và đất nước…”.
Em Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng nhóm sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Chúng em bắt đầu làm việc kể từ ngày 18/3 tại các khu cách ly tập trung để hỗ trợ các y, bác sĩ. Đây là lần đầu tiên trong đời đối diện với dịch bệnh lớn như Covid-19, nhưng chúng em tự hào khi là những sinh viên ngành Y được góp một chút công sức nhỏ bé của mình để cùng cả nước tham gia chống dịch”.
Không chỉ có những lá đơn xung phong của các bạn sinh viên ngành Y, mà những ngày gần đây, lá thư xin ra thực hiện chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của cô giáo trẻ Đoàn Thị Hồng Lương (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP. Hải Phòng) đã khiến nhiều người xúc động.
Trong lá thư “xin ra trận”, cô giáo Hồng Lương bày tỏ: “Hình ảnh các bác cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại các tổ dân phố, các bạn sinh viên căng mình ra sức hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung... khiến cho tôi, một đoàn viên thanh niên có sức khỏe, sức trẻ, rất băn khoăn, trăn trở muốn đóng góp sức mình vào công tác phòng chống dịch tại địa phương”. Cô giáo Hồng Lương cũng đã nhận được sự ủng hộ của gia đình để ra làm nhiệm vụ ở chốt chống dịch.
Ngọn lửa tình nguyện không chỉ rực cháy nơi tuổi trẻ, khi đất nước cần, những y bác sĩ dù đã ở độ tuổi nghỉ hưu, thay vì ở nhà tránh dịch cùng gia đình vẫn sẵn sàng tình nguyện nhận nhiệm vụ. Bởi với họ, giờ đây mong muốn lớn nhất là được sống vì cộng đồng, xã hội, được cống hiến cho đời, còn sức là còn cống hiến.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) là một trong những tình nguyện viên tham gia nhiệm vụ chốt chặn trên các tuyến đường trọng yếu ra vào tỉnh Quảng Ninh. Ông Ba cho biết: “Năm nay tôi đã bước qua tuổi 65. Bản thân tôi từng là người lính cụ Hồ. Khi đất nước cần, dù tuổi cao, sức khỏe có hạn, nhưng tôi vẫn mong muốn được góp một phần sức lực cho đất nước”.
Báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 14/4, cả nước có 266 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó 168 bệnh nhân được chữa khỏi). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly là 75.291 trường hợp. Trong đó số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 713; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 15.564 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 59.014 người.
Với số lượng người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 ngày một tăng, ngành Y tế rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ cộng đồng. Theo Bác sĩ Vũ Minh Tiến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: “Đội ngũ tình nguyện viên thực sự là cánh tay nối dài của chúng tôi trong công việc, nhất là các sinh viên ngành Y”.
Mặc dù khác nhau về độ tuổi, thế hệ, nhưng đội ngũ những người tình nguyện đều có chung một mong muốn khi Tổ quốc cần họ sẽ xung phong. Mặc dù công việc ấy gian nan, nguy hiểm, nhưng hành động dấn thân vì cộng đồng của họ đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho cả nước trong việc phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tính đến thời điểm này, Hà Nội có 280 y, bác sĩ về hưu, hơn 700 sinh viên các trường y khoa trên địa bàn tham gia tình nguyện chống dịch. Tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, mỗi địa phương đều có trên 200 tình nguyện viên tham gia tình nguyện vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.