Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Những người làm sạch đất

Vũ Lợi - Nam Hương - 10:48, 31/01/2021

Giữa thời bình hôm nay, có một cuộc chiến thầm lặng với không ít những gian khó, hiểm nguy của những người lính Công binh. Cuộc chiến truy tìm những “quả nổ” còn sót lại trong chiến tranh, trả lại sự bình yên cho những vùng đất biên cương Tổ quốc.

Đường hành quân biên giới của người lính Công binh
Đường hành quân biên giới của người lính Công binh

Nhiệm vụ đặc biệt

Hơn 40 năm sau chiến tranh biên giới (1979), Hà Giang hiện vẫn là tỉnh có diện tích đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật liệu nổ lớn nhất trên địa bàn Quân khu 2. Các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn và Mèo Vạc còn hàng chục nghìn ha đất bị ô nhiễm, tập trung ở tuyến biên giới Việt - Trung.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Công binh, Quân khu 2 về đẩy mạnh rà phá bom mìn (RPBM), tháng 4/2020, Đại đội Công binh 17, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Ðiện Biên đã có mặt tại xã biên giới Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) để làm nhiệm vụ. Đây là vùng đất từng phải hứng chịu những trận “mưa bom bão đạn” trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979 - 1991). Lượng bom, mìn, vật liệu nổ hiện còn sót lại tương đối lớn, quá trình tìm kiếm, tháo gỡ xử lý gặp nhiều khó khăn… Xác định khi được tăng cường nhiệm vụ tại đây, 100% các cán bộ, chiến sĩ đều kiên định giữ vững lập trường, tư tưởng, phát huy hiệu quả chuyên môn, nghiệp vụ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đào, Trưởng Ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết: Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cả đơn vị ở nhờ nhà dân. Cùng với làm chuyên môn, đơn vị triển khai công tác hậu cần tại chỗ, tăng gia sản xuất ngắn ngày để bảo đảm nguồn thực phẩm tươi, chăm lo sức khỏe cho bộ đội. Khó nhất là những hôm trời mưa, đường trơn trượt, trên đồi núi nhiều muỗi, vắt; nước sạch khan hiếm, các cán bộ, chiến sĩ phải đi mấy cây số mới tìm được nguồn nước trên đỉnh núi, sau đó dùng đường ống dẫn về bể lọc, xử lý mới dùng được cho sinh hoạt… 

Thiếu úy Phạm Hồng Sơn, Đại đội 17 Công Binh, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên kể: Quy trình làm nhiệm vụ, chúng tôi được chia thành từng tổ. Người đi trước thực hiện các quy trình phát - thuốn - xắn để khảo cứu đánh giá số lượng, chủng loại vật cản, rút kinh nghiệm cho toàn đội và hình thành tuyến an toàn cho các tổ phía sau. Với các thiết bị bảo hộ không thể thiếu là áo giáp chống đạn, mũ bảo hiểm, thiết bị dò máy… các chiến sĩ cẩn trọng đưa cần câu tre lùa vào khe, kẽ của từng tán cây, bụi cỏ, hang đá… dò tìm vật nổ. Nhất cử nhất động của các anh bắt buộc phải cẩn trọng và tập trung cao độ. Bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ hoặc vài giây thiếu tập trung, thì mỗi người họ sẽ không còn cơ hội rút kinh nghiệm, thậm chí phải trả giá bằng cả máu và những mất mát, hy sinh.

Thuốn đất xác định vật cản trên thực địa
Thuốn đất xác định vật cản trên thực địa

Trả lại màu xanh

Hơn 8 tháng tăng cường (từ tháng 4 đến tháng 12/2020) thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn được phân công, đơn vị đã RPBM làm sạch an toàn được hơn 80/80ha diện tích; thu gom trên 2 tấn mìn các loại, với hơn 3.000 quả đạn pháo, đạn cối và tiến hành hủy nổ tại chỗ an toàn.

Cũng trong thời gian đóng quân, các cán bộ, chiến sĩ còn làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ Nhân dân địa phương tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đại dịch Covid-19; phối hợp với lực lượng đoàn thanh niên xã tổ chức trên 700 công phát dọn, làm đường bê tông ngõ xóm, tu sửa nhà cửa giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình neo đơn…; qua đó, làm thắm thêm tình cảm quân dân bền chặt.

Ông Nguyễn Đức Dân, xã Thanh Thủy, một trong số nhiều nạn nhân trên địa bàn không may mắn khi vĩnh viễn bị mất đi đôi bàn tay. Quá trình làm nương ông đã vô tình cuốc phải quả mìn còn sót lại từ chiến tranh. “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, giờ đây ông Dân, người trụ cột của gia đình luôn thấy bất an khi mỗi lần ông nghe thấy đâu đó vang lên tiếng nổ oan nghiệt…

Ngày biết tin Bộ đội Công binh về giúp dân làm sạch đất, nỗi ám ảnh trong ông Dân như được cởi trói: “Bây giờ có Bộ đội Công binh lên RPBM, làm sạch đất cho chúng tôi ở, làm kinh tế cũng yên tâm. Chúng tôi rất phấn khởi, không biết nói gì hơn, cảm ơn những người lính Công binh rất nhiều.”

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.