Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Những người lính “4 cùng” với dân

Nghĩa Hiệp - 10:20, 15/09/2020

Mới đây, có dịp trở lại thăm bản đồng bào Mông xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình), được nghe đồng bào kể rất nhiều về những người lính Cụ Hồ đã “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con. Nhờ đó, bản Mông đã khoác lên mình “chiếc áo” mới, cuộc sống của người dân đã thay đổi.

Thiếu tá Hàng A Phứ (thứ 2 bên trái) và Trung tá Sùng A Chua (thứ 2 bên phải) tuyên truyền vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.
Thiếu tá Hàng A Phứ (thứ 2 bên trái) và Trung tá Sùng A Chua (thứ 2 bên phải) tuyên truyền vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.

Thực hiện chủ trương từ Đề án của Tỉnh ủy Hòa Bình về “Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”, huyện đã luân chuyển 1 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mai Châu về công tác, giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò từ năm 2011-2018. Đó là Thiếu tá Hàng A Phứ.

Thiếu tá Phứ chia sẻ, việc ma chay, cưới hỏi của người Mông trước đây có nhiều hủ tục không phù hợp. Anh đã bàn bạc cùng với các ngành, đoàn thể địa phương, Người có uy tín trong các dòng họ đến từng nhà, từng bản để vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ hủ tục. Để người dân nghe theo, anh vận động chính gia đình, dòng họ của mình thực hiện đầu tiên để làm gương. Rồi mưa dầm thấm lâu, cứ nhà này bảo nhà kia, dần cũng đi vào nền nếp. Đến nay, bà con trong xã đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không gây lãng phí.

Tiếp nối sau thành công của Thiếu tá Phứ, từ tháng 12/2018 đến nay, Trung tá Sùng A Chua (xóm Pà Cò Lớn, xã Pà Cò) được luân phiên điều động về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Cũng là người con của bản Mông, nên Trung tá Chua luôn đau đáu nỗi niềm, làm sao để bà con thoát nghèo, làm sao để cơ sở hạ tầng, nhà cửa khang trang hơn, để bà con tránh xa khỏi tệ nạn ma túy đã tồn tại nhiều năm.

Không quản ngại khó khăn, Trung tá Chua đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động người dân tránh xa ma túy, thay đổi tập quán canh tác; đặc biệt là lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, qua đó từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chị Sùng Y Múa, người trong bản cho biết: “Người dân quê mình chủ yếu là trồng cây mận, đến mùa thì hái mang xuống chợ huyện bán, hiệu quả không cao. Từ khi được các anh lãnh đạo xã quan tâm, đặc biệt anh Chua nhiệt tình hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây nên mùa mận những năm gần đây cho quả nhiều hơn. Đã có thương lái về tận vườn thu mua. Gia đình nào cũng thu được 30 - 40 triệu đồng/năm”.

Trong quá trình công tác ở xã, Trung tá Chua cũng đã vận động thành công 2 học sinh lớp 9 bỏ học đi học lại và hiện các em đã tốt nghiệp. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, anh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, mở 3 lớp tập huấn về cách làm du lịch cộng đồng cho bà con, cấp giấy chứng nhận cho trên 30 hộ làm du dịch; mở lớp nấu ăn để các hộ có thể tự phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách.

Giờ đây ở Pà Cò, những con đường đất đã được thay thế bằng đường bê tông nối liền các xóm, xã Pà Cò với các địa phương khác; từng ngôi nhà khang trang được mọc lên; hơn 10 Homestay đã đi vào hoạt động và đón khách; tệ nạn ma túy, hủ tục đã bị đẩy lùi; KT-XH của địa phương đang ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân được cải thiện. Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã là 4,5 triệu đồng/người/năm thì năm 2019 đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của xã Pà Cò giảm xuống còn 25,46%... Kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của những người lính Cụ Hồ về bản thực hiện “4 cùng” với người dân.

Tin cùng chuyên mục