Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những nông dân nối liền "nhịp cầu” chính sách ở Lạng Sơn

Thiên An - 17:12, 03/09/2023

Trò chuyện với những người nông dân tiêu biểu ở tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi cảm phục bởi tư duy dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong công việc và họ đã thành công!. Không những làm giàu cho gia đình mình, mà còn chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những mô hình sản xuất tiên tiến đến với mọi người, để cùng nhau phát triển. Họ được cộng đồng quý mến, cấp ủy đảng, chính quyền nhìn nhận là những người nối liền “nhịp cầu” chính sách.

Vườn ươm nhà bà Lý Thị Bình trở thành địa chỉ đáng tin cậy đối với người dân địa phương và các tỉnh lân cận
Vườn ươm nhà bà Lý Thị Bình trở thành địa chỉ tin cậy về giống cây trồng đối với người dân địa phương và các tỉnh lân cận

Sinh sống tại vùng quê còn nhiều khó khăn, trước đây, gia đình bà Lý Thị Bình, thôn Trường Sơn, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Bà Bình luôn trăn trở làm gì, làm thế nào để tăng thu nhập cho gia đình bớt cảnh khó khăn.

Năm 2012, nhận thấy tiềm năng trồng rừng trên địa bàn rất lớn, bà Bình đã quyết định đầu tư phát triển vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại gia đình.

Thời gian đầu, công việc gặp nhiều khó khăn do chưa có kỹ thuật ươm, bảo quản giống nên dù chỉ ươm số lượng ít khoảng 3 vạn cây keo, bạch đàn, song vẫn bị thiệt hại hơn nửa số cây. Nhưng không vì thế mà nản lòng, bà Bình đã đi học hỏi ở các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ươm giống cây của tỉnh, của huyện.

Bà Bình cho biết: "Tôi luôn quan niệm, vừa học vừa làm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không có thành công nào mà không trải qua thử thách. Có lẽ nhờ sự bền bỉ ấy, giờ mô hình vườn ươm cây giống của gia đình tôi đã mở rộng về cả quy mô và số lượng cây".

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và bà Bình luôn bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại gọi đến từ các thương lái ở một số huyện, tỉnh lân cận và cả những hộ kinh doanh cùng chung nghề ươm. Người ta gọi, hỏi bà để đặt cây giống cho vụ trồng rừng và hỏi kinh nghiệm về cách ươm giống cây trồng.

Tạm biệt bà Bình, chúng tôi  tiếp tục hành trình tới xã Tân Hòa – xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, gặp chị Đặng Thị Tàn, một người phụ nữ dân tộc Dao chăm chỉ và năng động.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhiều khó khăn, năm 2015, chị Tàn lập gia đình và sinh sống tại tỉnh Yên Bái. Tại đây, chị cùng chồng bắt đầu thử nghiệm phát triển vườn ươm cây giống. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề này, đến năm 2016, chị đã bàn bạc với chồng và quyết định về quê hương Tân Hòa mở vườn ươm cây giống.

Những ngày đầu lập nghiệp, để có nguồn vốn thực hiện, chị đã vay tiền của người thân và bạn bè, cộng với số tiền ít ỏi tự tích lũy được 150 triệu đồng, vợ chồng chị mở vườn ươm cây quế,với diện tích 5 sào, quy mô 40 vạn cây giống/vụ.

Cuối năm 2016, chị xuất bán lô cây giống đầu tiên, với số lượng 40 vạn cây cho khách hàng ở huyện, các huyện lân cận và các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái. Thấy có hiệu quả kinh tế, từ năm 2018 đến nay, chị thuê đất của người dân trong thôn để mở rộng vườn ươm lên 12 sào. Mỗi năm, chị ươm gần 100 vạn cây giống, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Chị Đặng Thị Tàn tận tình hướng dẫn nhiều hộ gia đình dân tộc Dao ở xã Tân Hòa về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế,
Chị Đặng Thị Tàn tận tình hướng dẫn nhiều hộ gia đình dân tộc Dao ở xã Tân Hòa về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế

Tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình còn phải kể đến ông Lương Văn Dựng (dân tộc Tày), thôn Nam Lân 2, xã Y Tịch-một xã miền núi cách xa trung tâm huyện Chi Lăng gần 20km, địa hình có nhiều núi đá vôi hiểm trở, xen kẽ là những thung lũng hun hút.

Đón chúng tôi ngay tại khu vườn của gia đình, ông Dựng chia sẻ: Nhận thấy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu ở địa bàn mình rất phù hợp với cây na, gia đình ông mạnh dạn đầu tư trồng 1.400 cây na, 250 cây bưởi, 0,5ha thuốc lá.

Qua thời gian triển khai, đến nay đã cho thấy hiệu quả. Ngoài việc phát triển kinh tế tạo thu nhập cho gia đình, mô hình kinh tế của gia đình ông Dựng còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương. Không chỉ thế, gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Năm 2020, gia đình ông Dựng còn tự nguyện hiến 120 mét vuông đất để làm đường và đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới.

Ngoài những nông dân tiêu biểu để cập trên, trên địa bàn Lạng Sơn còn rất nhiều người nông dân với bản chất chất phát, chăm chỉ lao động sản xuất, tiên phong trong các  phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.

Quan trọng hơn, những việc làm của họ được các cấp ủy đảng, chính quyền nhìn nhận, họ chính là những người nối liền “nhịp cầu” về công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực đến với cộng đồng về phát triển kinh tế, nhất là trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, hướng dẫn cách sản xuất cây giống lâm nghiệp cho bà con trong xã để cùng học tập, nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục
Những nông dân trẻ tuổi làm giàu trên đất Khánh Sơn

Những nông dân trẻ tuổi làm giàu trên đất Khánh Sơn

Những năm gần đây, chính quyền huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều người trẻ đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế và trở thành những tấm gương, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo.