Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Yên - Một điểm sáng về kinh tế nông nghiệp ở Quảng Ninh

Nghĩa Hiệp - 16:43, 10/09/2021

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, tập trung, hiện đại hóa; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần; đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao… Đó là những kết quả sau 13 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông” (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Giờ đây, thị xã Quảng Yên đã trở thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Nghị quyết “Tam Nông” đã giúp thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp, hiện đại
Nghị quyết “Tam Nông” đã giúp thị xã Quảng Yên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp, hiện đại (Ảnh TL)

Những năm qua, nền nông nghiệp của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) không ngừng thay đổi. Với định hướng xây dựng “có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, xây dựng các tiêu chí năm sau phải cao hơn năm trước”, thị xã Quảng Yên đã từng bước hình thành nền nông nghiệp quy mô, theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên cho biết: Trước đây, kinh tế của người dân tại địa phương chủ yếu đi biển và làm ruộng. Năm 2008, khi bắt đầu triển khai Nghị quyết "Tam nông", địa phương đã tích cực tuyên truyền về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chú trọng triển khai xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp; Đưa nông dân trở thành chủ thể, gắn với mô hình nông nghiệp thế mạnh”.

Theo đó, từ những ao tôm, mảnh ruộng riêng lẻ của các hộ dân, giờ đây đã trở thành vùng sản xuất được quy hoạch bài bản, như: Vùng sản xuất rau an toàn tập trung, vùng sản xuất hoa tập trung, vùng trồng na, vùng nuôi tôm tập trung…

Điển hình như vùng trồng na bở của nông dân xã Tiền An. Đây từng là xã trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng không thu được hiệu quả kinh tế cao. Từ khi Nghị quyết “Tam nông” được triển khai, người nông dân được hướng dẫn cải tạo lại vườn, kỹ thuật trồng, chuyển đổi sang trồng na bở theo hướng sản xuất hàng hóa. Giờ đây, xã Tiền An đã trở thành vùng trồng na bở có tiếng cả tỉnh.

Ông Vũ Văn Lại, thôn Vườn Chay, kể lại, gia đình ông từng trồng vải, trồng ổi nhưng cả hai loại cây này đều không phù hợp với thổ nhưỡng nên hiệu quả kinh tế kém. Sau được cán bộ Nông nghiệp hướng dẫn, tôi mới biết, nơi này phù hợp với cây na, đặc biệt là giống na bở. Gia đình ông cùng 16 hộ dân khác đã tham gia mô hình trồng na bở. Nhờ đó mà 4 năm gần đây, mỗi năm ông bán na thu về từ 200 - 300 triệu đồng. Giờ cả xã có đến 140ha diện tích trồng na, nhà ít thì vài trăm mét vuông, nhà nhiều lên đến 4.000m2.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn thị xã Quảng Yên cũng bước đầu chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang gia trại, trang traị, công nghiệp và bán công nghiệp; sản lượng tăng 5 - 10%/năm.

Nhờ đó, tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp thị xã Quảng Yên đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng 54,3% kế hoạch, tăng 12,1% cùng kỳ năm trước (chiếm tỷ trọng 12,1% giá trị tổng sản phẩm). 

Gia đình ông Vũ Văn Lại trồng hơn 2.000 m2 na bở, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm
Gia đình ông Vũ Văn Lại trồng hơn 2.000 m2 na bở, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm

Với tinh thần quyết liệt triển khai Nghị quyết “Tam nông”, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều hàng năm (năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo là 4,8%; năm 2020, thị xã cơ bản không còn hộ nghèo). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 11,7 triệu đồng năm 2008 lên 64,4 triệu đồng năm 2020. Thị xã Quảng Yên cũng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và "về đích" xây dựng NTM năm 2019.

Hiện nay, thị xã Quảng Yên đang triển khai xây dựng khu kinh tế ven biển; Đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 2.390 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2%/năm; tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm 6% trong cơ cấu nền kinh tế; 100% các xã trên địa bàn hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 100 triệu/năm...

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.