Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Những tấm gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công ở miền núi Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 21:38, 01/12/2021

Hầu hết họ sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó khăn, trong gia đình nghèo. Tuy nhiên, cùng với sự hòa nhập, phát triển của quê hương, không ít thanh niên đã "bắt nhịp" cuộc sống, tận dụng tiềm năng lợi thế miền núi, gây dựng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành hình mẫu thoát nghèo cho người dân trên địa bàn học tập. Điển hình như hai thanh niên dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn là anh Hà Văn Thương, ở bản Din và anh Ngân Văn Học, bản Chung Sơn.

Anh Hà Văn Thương đang chăm sóc đàn gà tại trang trại của mình
Anh Hà Văn Thương đang thành công với mô hinh nuôi gà trang trại

Đi học để có kiến thức thoát nghèo 

Ở bản Din, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), anh Hà Văn Thương (SN 1990), là một thanh niên với nghị lực thoát nghèo đã khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Sinh trưởng một gia đình người Thái nghèo, anh Thương luôn ấp ủ khát vọng “phải làm được điều gì đó” để gia đình thoát cảnh nghèo túng. Những năm tháng còn đi học, bố mẹ anh Thương đã phải tần tảo sớm hôm hái măng, làm nan đem bán để nuôi con ăn học. Thế nhưng, cả nhà luôn phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Dù khó khăn, anh Thương vẫn mong muốn được đi học, có kiến thức để thay đổi cuộc sống ở quê nhà.

Tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, cầm tấm bằng trên tay, Hà Văn Thương loay hoay tìm hướng đi cho bản thân. Trở về quê, nhận thấy lợi thế đất rừng rộng lớn và khí hậu trong lành, năm 2019, Thương mạnh dạn bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi. Nghĩ là làm, anh vay vốn ngân hàng, mua con giống làm trại chăn nuôi gà thả đồi dưới tán rừng luồng.

“Ban đầu, tôi cũng có nhiều lo lắng vì chưa có kinh nghiệm, nhưng đã quyết tâm thì không được phép nản lòng. Tôi đi học từ những người có kinh nghiệm, đọc nhiều sách để có kiến thức nuôi trồng và chăm sóc. Cứ như vậy, lứa gà đầu tiên thành công, tỷ lệ chết ít, thịt thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng”, anh Thương nói.

Người thanh niên này cho biết thêm, hiện nay, anh có khoảng 5.000 con gà đang chuẩn bị đến kỳ xuất chuồng. Gà nhà anh nuôi chủ yếu được bán cho các khách hàng trong huyện, trong tỉnh. Ngoài đàn gà, anh Thương còn nuôi lợn nái, nuôi dê và bò dưới tán rừng luồng hơn 5ha của mình.

Chỉ sau 2 năm, mô hình của anh Thương đã cho thu nhập khoảng 250 triệu/năm, trở thành hình mẫu và tấm gương thoát nghèo ở huyện vùng biên này. Sắp tới, anh Thương còn có tham vọng mở rộng thêm diện tích rừng và tăng số lượng đàn gia cầm, gia súc.

Anh Lữ Hồng Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hạ nói, mô hình của Hà Văn Thương là điển hình thành công nhất của xã. Hiện có nhiều người cũng muốn học hỏi kinh nghiệm từ chàng trai này. Ngay bản thân anh Chiến cũng đến trang trại của Thương học tập và hiện đang áp dụng để thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn tương tự.

Anh Ngân Văn Học, bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy - tấm gương thanh niên vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế
Anh Ngân Văn Học, mạnh dạn đầu tư thay đổi cách làm kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng đạt hiệu quả cao

Mạnh dạn thay đổi cách làm kinh tế 

Ở Quan Sơn ai cũng biết đến tấm gương một thanh niên thoát nghèo khác, là anh Ngân Văn Học, ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy. Là con thứ hai trong gia đình nghèo có 4 người con, bố mất sớm, cuộc sống nhiều khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS, anh Học đã tạm gác việc học hành, ở nhà giúp mẹ làm đồi, làm ruộng. Khi mùa vụ xong, Học đi chặt luồng, chặt vầu thuê cho các hộ dân trong xã để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn.

Với mong muốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, năm 2015, anh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với khoản tiền tiết kiệm của gia đình, đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới, rau, quả tổng hợp.

Anh đã mạnh dạn cải tạo 4 sào đất trồng luồng kém hiệu quả sang trồng dưa lưới và trồng rau màu chính vụ, trái vụ và bước đầu cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 90 triệu đồng.

Trên đà thành công, anh Học tiếp tục đầu tư mua đất của các hộ dân xung quanh, cải tạo, mở rộng diện tích sản xuất. Đến cuối năm 2020, anh đầu tư xây dựng hệ thống nhà trồng dưa lưới, rau sạch áp dụng công nghệ tưới phun tự động. Hiện nay, mô hình này mang lại thu nhập cho gia đình anh Học 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lữ Anh Hướng, Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy, cho biết: “Anh Ngân Văn Học là thanh niên có nghị lực, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Anh trở thành tấm gương sáng cho thanh niên xã Sơn Thủy noi theo”

Anh Phạm Đức Lương, Bí thư Huyện đoàn Quan Sơn, cho biết: Những mô hình thành công, ngoài nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân đoàn viên thanh niên, còn có chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ đoàn, sự quan tâm, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 Hiện nay, thông qua tổ chức đoàn có 613 hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, đoàn viên thanh niên đã xây dựng nhiều mô mình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm thanh niên địa phương./.

Tin cùng chuyên mục