Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi nghiệp thành công từ nuôi dúi thương phẩm

Trọng Bảo - 18:42, 16/08/2021

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, chàng thanh niên Hoàng Văn Khanh, dân tộc Tày, ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) không theo đuổi sự nghiệp "gõ đầu trẻ" mà rẽ hướng khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi

Với việc chăn nuôi dúi thịt và bán dúi giống, mỗi tháng gia đình anh Khanh có thu nhập từ 15-20 triệu đồng
Với việc chăn nuôi dúi thịt và bán dúi giống, mỗi tháng gia đình anh Khanh có thu nhập từ 15-20 triệu đồng

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Hoàng Văn Khanh, sinh năm 1992, dân tộc Tày ở bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) về giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Tân Tiến (huyện Bảo Yên). Sau một năm dạy học, chia tay với sự nghiệp "gõ đầu trẻ", Khanh rẽ hướng sang con đường  khởi nghiệp mới - nuôi dúi.

“Qua tìm hiểu trên internet, sách, báo, tivi và qua những lần đi thăm quan, học các mô hình nuôi dúi ở các tỉnh, thành khác, tôi đã lựa chọn mô hình nuôi rúi để khởi nghiệp”, Hoàng Văn Khanh chia sẻ.

Theo anh Khanh, con dúi vốn là loài hoang dã sinh sống trong rừng núi, nên việc thuần dưỡng, nuôi nhốt anh chưa bao giờ nghĩ tới. Cho đến khi đi tìm hiểu một số mô hình thực tế ở các tỉnh, thấy dúi sinh trưởng tốt, có thể mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả nên Khanh đã mạnh dạn tập trung vào mô hình này.

Anh Khanh chia sẻ kinh nghiệm : Con dúi ưa mát nên chuồng nuôi phải rộng, có thể xây bằng gạch hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước cao 60x50x50cm. Ngoài ra, vào mùa hè, có thể sử dụng hệ thống phun nước trên mái chuồng giúp chống nóng kết hợp với quạt công suất lớn để giảm nhiệt chuồng nuôi. Dúi thuộc loài gặm nhấm nên không được nuôi nhốt chung cả đàn, mà chỉ nhốt tối đa 2 con một chuồng. Khi trưởng thành, nuôi thương phẩm có thể tách riêng mỗi chuồng 1 con.

Thức ăn của dúi là các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như mía, ngô… Thức ăn này phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ để dúi không bị tiêu chảy, đây là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm đối với dúi. Khi nuôi từ 6-7 tháng là có thể ghép đôi để chúng giao phối đúng thời điểm phát dục. Sau đó, khoảng nửa tháng thì tách dúi cái nuôi riêng để sinh sản.

“Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 3- 4 con. Con non từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể xuất bán con giống với giá khoảng 1-2,5 triệu đồng cho một cặp dúi giống”, anh Khanh thông tin

Với việc tuân thủ các kỹ thuật nuôi nhốt, đàn dúi của gia đình anh Khanh sinh trưởng và phát triển tốt; từ 20 cặp dúi giống ban đầu mua ở Hòa Bình, đến nay cơ sở của gia đình anh đã có đàn dúi trên 300 con cả dúi sinh sản và dúi thịt.

Theo anh Khanh, nếu như không nuôi sinh sản, thì cứ 6-7 tháng dúi đạt trọng lượng từ 1,8-2,5kg là có thể xuất bán cho các nhà hàng, quán ăn với giá dao động từ 4-5 trăm nghìn đồng/kg. Tính ra, bình quân mỗi tháng gia đình tôi thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng từ bán dúi thịt và dúi giống”.

Từ hiệu quả mô hình nuôi dúi của gia đình anh Khanh, nhiều hộ dân trong xã, huyện đã đến học tập kinh nghiệm, mua con giống về để phát triển kinh tế. Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo yên cho biết: Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Bảo Yên có nhiều khởi sắc. Trong đó, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao.

"Như cơ sở nuôi dúi của anh Khanh đã cho thấy tính hiệu quả rất cao. Đây cũng là mô hình điểm để người dân trong xã, huyện có thể học tập phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, với việc nuôi dúi, còn góp phần giảm việc săn bắt loại thú rừng này, giảm nguy cơ phá rừng, môi trường sinh thái…”, ông Quang cho biết.

 Theo ông Quang hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với giống vật nuôi này cũng đang có chiều hướng mở rộng. Đặc biệt, xã Nghĩa Đô đang xây dựng trở thành một địa điểm du lịch thu hút du khách, thì việc đáp ứng nhu cầu thị trường ngay trên địa bàn xã cũng có nhiều hứa hẹn.

Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.