Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những thông điệp thú vị thông qua trang phục của phụ nữ Si La

Lam Anh (t/h) - 09:09, 13/12/2021

Với phụ nữ Hà Nhì chỉ cần nhìn cách vấn tóc là có thể phân biệt được cô gái đã có chồng hay chưa. Còn với phụ nữ Si La chỉ qua một chiếc khăn đội đầu có thể biết được rất nhiều thông điệp về tình trạng hôn nhân.

Trang phục truyền thống của đồng bào Si La
Trang phục truyền thống của người Si La

Khăn đội đầu cho biết tình trạng hôn nhân

Người Si La tên gọi khác là Cú Dé Xử, Khả Pẻ, có dân số khoảng 840 người (theo Tổng cục Thống kê năm 2009). Người Si La chưa có chữ viết riêng, sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. 

Đồng bào Si La thường trồng cây bông vải lấy sợi se thành chỉ rồi nhuộm màu theo cách truyền thống, sau đó dệt nên những bộ trang phục của mình. Nhằm tô thêm vẻ đẹp cho váy, áo, các thiếu nữ Si La sử dụng những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, vòng trang sức gắn bạc, đồng... thân áo, váy và ống tay áo trang trí hoa văn theo bố cục hình học. Những hoa văn trang trí này được hình thành trong quá trình dài lao động, sản xuất, sáng tạo của người Si La.

Điểm đặc biệt trong trang phục phụ nữ Si La là chiếc khăn đội đầu. Chỉ cần nhìn chiếc khăn đội đầu là có thể phân biệt cô gái chưa chồng, cô gái đã có chồng và phụ nữ đã có con hoặc có con trai hay con gái.

Trang phục của thiếu nữ Si La
Trang phục của thiếu nữ Si La

Chiếc khăn trắng chính là biểu thị cho sự trong trắng, thanh cao; cũng là dấu hiệu ngầm nói lên rằng chủ nhân của nó chưa có chồng, các chàng trai hoàn toàn có thể yên tâm theo đuổi và bày tỏ tình cảm của mình. Các thiếu nữ bắt đầu đội khăn ở độ tuổi 13. Khi đội chiếc khăn “tê ta y sùa”, thiếu nữ Si La đặt phần đầu khăn lên chính giữa đỉnh đầu, phần thân quấn theo chiều dài của tóc, rồi gập lên đỉnh đầu. Đuôi khăn sẽ phủ sang một bên mái tóc. Cô gái phải nhẹ nhàng trong từng cử chỉ, nếu không, chiếc khăn sẽ rất dễ bị rơi hoặc xô lệch.

Các cô gái Si La chuẩn bị kết hôn sẽ được người yêu tặng một chiếc khăn đội đầu, gọi là khăn “dơ phừ”, do mẹ chàng trai khâu. Vì thế, chiếc khăn này là kỷ vật thiêng liêng của mỗi người con gái, cho dù nó chỉ được sử dụng trong thời gian từ khi kết hôn đến lúc sinh đứa con đầu lòng. Khi sinh con, người phụ nữ sẽ cất chiếc khăn này đi và khi con trai trưởng thành, có người yêu thì chiếc khăn có thể lại trở thành kỷ vật tặng cho người yêu, cho vợ của con trai.

Các cô gái Si La chuẩn bị kết hôn sẽ được người yêu tặng một chiếc khăn đội đầu
Các cô gái Si La chuẩn bị kết hôn sẽ được người yêu tặng một chiếc khăn đội đầu

Nét độc đáo của chiếc khăn “dơ phừ” là phần đầu khăn được khâu lại, tạo thành một chiếc túi. Người ta búi tóc trên trán, lồng túi vào đó, rồi quấn quanh búi tóc, tạo nên một cuốn tóc rất lớn nằm ngang. Nếu cuốn tóc này chưa đủ to thì phải độn thêm một vật dụng gì đó của chồng, như cái áo, cái mũ hoặc tóc của chồng để thể hiện sự chung thủy của người vợ đối với người chồng. Chính vì thế, cuộc sống vợ chồng hằng ngày của người Si La hầu như không có sự xích mích. Quan hệ vợ chồng rất bền vững, đặc biệt là hiếm có chuyện ly hôn.

Chiếc khăn ô phạ của phụ nữ Si La
Chiếc khăn ô phạ của phụ nữ Si La

Khi người phụ nữ Si la đã có con thì việc quấn khăn càng trở nên quan trọng. Nếu sinh con gái, búi tóc trước trán sẽ được quấn bằng chiếc khăn thẳng, không có túi để đựng tóc như khăn “dơ phừ”. Họ sẽ quấn phần đầu khăn vào búi tóc và hất đuôi khăn ra phía sau sao cho tua khăn vừa chạm vào vai.

Nếu sinh con trai, người phụ nữ phải độn thêm một ít tóc rụng của mình vào búi tóc. Nếu không có đủ tóc rụng thì phải xin thêm tóc rụng của mẹ đẻ. Vì thế mà khi có chồng, những người phụ nữ Si La đều giữ lại tóc rụng để khi sinh con trai sẽ quấn vào khăn.

Mỗi lần sinh con, phụ nữ Si La lại thay khăn mới và giữ lại khăn cũ. Chỉ cần đếm số khăn “ô phạ” là biết được người phụ nữ có bao nhiêu con.

Độc đáo chiếc áo (pi khồ)

Về áo (pi khồ), phụ nữ Si La thường mặc loại áo ngắn nữ, xẻ ngực, hơi bó thân. Áo may bằng vải do người Thái dệt thủ công, nhuộm chàm hoặc vải công nghiệp màu đen. Cổ áo không may đứng mà chỉ được viền theo mép vải. Cả cổ, tay và gấu áo đều được trang trí những đường viền hoặc những khoanh vải khác màu. Trên nền chàm đen, những đường viền này khiến cho bộ y phục trở nên mềm mại, sinh động hơn.

Trên thân áo pi khồ của phụ nữ Si La được đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang, giữa hàng xu bạc có trang trí các đường hoa văn kẻ bằng chỉ đỏ, thể hiện tín ngưỡng tâm linh của đồng bào.
Trên thân áo pi khồ của phụ nữ Si La được đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang, giữa hàng xu bạc có trang trí các đường hoa văn kẻ bằng chỉ đỏ, thể hiện tín ngưỡng tâm linh của đồng bào.

Thân áo trước là một miếng vải có hình thang cân, trên đính nhiều xu bạc, giữa các hàng xu là các đường văn kẻ bằng chỉ đỏ. Áo được cài cúc bên phải thân trước bằng cúc bướm. Các thanh nữ hoặc thiếu phụ trẻ tuổi thường chú ý nhiều đến việc trang trí các xu bạc ở ngực áo. Các cụ bà thường để thân áo đen bình thường.

Giắt váy làm duyên

Váy có cạp và thân váy. Cạp váy là một mảnh vải khác màu (xanh hoặc đỏ), được ráp với thân váy bằng kĩ thuật khâu đột sao cho đường chỉ cũng như mép vải lặn hẳn vào phía trong. Thân váy thường rộng hơn vòng bụng người mặc, khoảng 90 - 120 cm và dài bằng thân dưới tính từ eo lưng. Toàn bộ phần thân váy được để mộc, không trang trí nhưng khi viền gấu váy, phụ nữ Si La thường dùng chỉ đỏ khiến cho chiếc váy trở nên điệu đà hơn.

Váy của phụ nữ Si La
Váy của phụ nữ Si La

Khi mặc váy, bao giờ phụ nữ Si La cũng quấn và giắt mép váy về phía sau lưng. Có lẽ chính vì vậy mà xưa kia dân tộc này còn được người gọi là Khả Pẻ - người mặc váy quấn ra đằng sau. Vải được cố định nơi eo lưng bằng một chiếc dây lưng (dò dừ) màu đỏ hoặc trắng dài khoảng 2 sải tay. Hai đầu dây lưng thường được các thiếu nữ để tua hoặc viền chỉ màu và thả ở phía trước để làm duyên, còn những phụ nữ có tuổi lại giắt lên cạp váy cho gọn.

Hiện nay người Si La sử dụng trang phục này chủ yếu vào các dịp lễ tết, cưới hỏi, các sự kiện lớn của bản làng... Đây cũng là cách người Si La gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.