Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trang phục của phụ nữ người Pa Dí: Hòa quyện giữa nghệ thuật và triết lý sống

Lam Anh (t/h) - 18:48, 28/11/2021

Không thướt tha như tà áo dài của người Kinh, không rực rỡ sắc màu như trang phục của người Mông..., trang phục phụ nữ Pa Dí có những nét đẹp riêng, không lẫn được với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Độc đáo chiếc mũ hình mái nhà của người Pa Dí
Độc đáo chiếc mũ hình mái nhà của người Pa Dí

Mũ đội đầu hình mái nhà

Người Pa Dí là một nhóm địa phương của dân tộc Tày. Ở Lào Cai, dân tộc Pa Dí có khoảng 2.000 người, sinh sống chủ yếu ở các xã vùng cao thuộc huyện Mường Khương. Trong rừng hoa đầy sắc màu của các dân tộc Việt Nam, bộ trang phục của phụ nữ Pa Dí có vẻ đẹp vô cùng độc đáo.

Ấn tượng nhất phải kể đến chiếc mũ đội đầu. Người Pa Dí có cả một truyền thuyết về chiếc mũ đội đầu của phụ nữ. Tương truyền, xa xưa người Pa Dí vì không muốn sống xa con cháu, nên tất cả gia đình, họ hàng cùng chung sống trong một mái nhà lớn. Sau này, khi con cháu quá đông, ăn ở chật chội, phải cho con cái ra ở riêng. Để thể hiện ý thức nhớ về cội nguồn, về bố mẹ, dòng tộc, người Pa Dí lấy hình tượng mái nhà sáng tạo ra chiếc khăn (mũ) truyền thống của dân tộc mình.

Mũ được làm từ vải lanh dệt thủ công. Phụ nữ Pa Dí với đôi tay khéo léo đã lắp ghép, phết hồ sáp ong nhiều lượt để tạo độ cứng cho vải, sau đó gấp thành hình mái nhà. Phần vòng tròn để đội đầu được làm rất kỳ công với những hạt bạc trắng được đính theo hình sin. Những hạt bạc này là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho hạt ngô, hạt gạo và sự no đủ. Ngoài ra có một dải khăn ôm gọn cả phần trán và vòng ra phía sau đầu. Mặt sau của mũ cũng có một khuôn bạc hình chữ nhật, được chạm khắc hình cây cối và chim muông.

Trước khi đội mũ, phụ nữ Pa Dí búi tóc cao lên tận đỉnh đầu, sau đó úp phần trên của mũ lên. Phần dưới của mũ được quấn tròn ngay sát trán để giữ cho tóc và phần trên của mũ được chặt, giúp người đội có thể cử động thoải mái mà không bị xô lệch. Người Pa Dí gọi chiếc mũ này là “Khùn Tằng”.

Áo của phụ nữ Pa Dí

Nghệ nhân Pờ Chin Dín (thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương) hướng dẫn chị em thực hiện công đoạn trang trí cho chiếc mũ
Nghệ nhân Pờ Chin Dín (thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương) hướng dẫn chị em thực hiện công đoạn trang trí cho chiếc mũ

Với chất liệu vải tự dệt, màu chủ đạo là xanh chàm, điểm màu xanh lá mạ và màu đen, áo phụ nữ Pa Dí may ngắn kiểu xẻ nách, cúc cài bên phải, thân áo ôm sát vòng eo, điểm nổi bật là mảng trang trí hoa văn bằng những chiếc cúc bạc nhỏ xíu đính liền nhau tạo thành đường chéo từ cổ áo xuống ngang hông.

Cổ áo nữ thường cắt theo kiểu cổ tròn, là một miếng vài dài khoảng 40 cm, rộng 6 cm, viền mép khâu chỉ trắng trên nền vải xanh, vải hoa trông rất đẹp. Phía ngoài là bản vải hoa ghép hai màu xanh, đỏ, phía trong là lớp vải hoa hoặc vải đỏ lộ ra khiến bộ trang phục thêm ấn tượng. Ngoài ra, người Pa Dí dùng các hạt bạc, cúc bạc để đính trên bề mặt cổ áo, cúc bạc to được đính để cài khóa ở hai đầu, tạo điểm nhấn cho trang phục.

Váy của phụ nữ Pa Dí

Chiếc váy dài đến mắt cá chân thiết kế gần giống váy của người Thái. Choàng ra ngoài váy là chiếc tạp dề cùng màu, nẹp và gấu tạp dề có đường viền màu trắng, hoà với khoanh vải màu trang trí ở tay áo, tạo sự hài hoà cân đối, nét duyên dáng của người phụ nữ. Đây là sự khác biệt căn bản so với bộ nữ phục Tày, Nùng cùng nhóm.

Các hạt bạc, cúc bạc để đính trên bề mặt cổ áo, cúc bạc to được đính để cài khóa ở hai đầu, tạo điểm nhấn cho trang phục
Các hạt bạc, cúc bạc để đính trên bề mặt cổ áo, cúc bạc to được đính để cài khóa ở hai đầu, tạo điểm nhấn cho trang phục

Để tạo bộ y phục rực rỡ sắc màu với bố cục, đường nét, mô típ hoa văn, phụ nữ Pa Dí sáng tạo vận dụng kỹ thuật thêu thùa với 2 thủ pháp chính là thêu và ghép vải. Sử dụng 3 kiểu kỹ thuật thêu: Thêu buộc, thêu xuyên và thêu luồn chỉ. Cả 3 cách thêu này được sử dụng thêu trên phần hoa văn dây thắt lưng của phụ nữ.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Pa Dí
Trang phục truyền thống của phụ nữ Pa Dí

Các biện pháp thêu, ghép vải kết hợp với nhau tạo ra những mẫu hoa văn phong phú, nhiều màu sắc, đồng thời với những khổ vải ghép đậm sắc màu bên cạnh các đường thêu thanh mảnh, tạo cho người nhìn có cảm giác như các hoa văn luôn biến đổi.

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ còn là của hồi môn khi người con gái Pa Dí đi lấy chồng. Với giá trị và nghệ thuật thêu trang trí trên trang phục, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.