Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Những triệu phú nông dân ở miền Tây Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 18:32, 28/11/2021

Đều là những người đi lên từ hai bàn tay trắng, những nông dân chân lấm tay bùn, nghèo khó ngày nào giờ đã có nhà cao cửa rộng, xe ô tô sang, cuộc sống vật chất không thiếu thốn,; họ là niềm mơ ước của bao người... Đó là câu chuyện về những nông dân triệu phú ở miền Tây Thanh Hóa.

Mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao của hộ gia đình chị Vũ Thị Thắm, thôn Ngọc Tâm, xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành)
Mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao của hộ gia đình chị Vũ Thị Thắm, thôn Ngọc Tâm, xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành)

Đến xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), không ai không biết đến gia đình chị Vũ Thị Thắm, bởi gia đình chị là một hộ khá giả có tiếng ở thôn Ngọc Tâm. 

Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình, nghe chị kể về những suy nghĩ, những vất vả trải qua trong phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả ở địa phương. Chị Thắm kể, ngày mới cưới nhau, anh chị đã ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Không có nghề nghiệp ổn định. Được cha mẹ cho vài sào đất, anh chị cùng nhau trồng mía như bao hộ khác nơi đây. Nhưng dù có chăm chỉ lao động bao nhiêu, hiệu quả kinh tế cây mía mang lại vẫn thấp.

 Sau vài vụ mía lấy công làm lãi vẫn chẳng đủ ăn, anh chị bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả từ người quen và ở địa phương, sau đó quyết định chuyển hướng, vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả. Chưa có kinh nghiệm, chị Thắm cùng chồng đi khắp nơi để học hỏi thực tế, tìm hiểu thêm qua sách báo về kiến thức trồng trọt. Ngày đêm chăm sóc và dành nhiều công sức, cuối cùng vườn cam, dưa, thanh long cũng cho ra quả ngọt, năng suất tốt.

Hiện nay, trừ chi phí mô hình cây ăn quả đã mang lại thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha. Nhờ đó, chị Thắm xây dựng nhà cửa khang trang, mua ô tô sang và nuôi dạy con cái ăn học thành tài. "Nghề nông không phải dễ dàng với bất cứ ai, nhưng đã làm thì phải quyết tâm, phải dành tâm huyết cho nó thì mới có quả ngọt”, chị Thắm bộc bạch.

Theo bà Nguyễn Thị Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm, hiện nay mô hình trồng cây ăn quả có quy mô lớn như của gia đình chị Thắm đang được Hội nông dân xã  khuyến khích hội viên tham khảo, học tập để làm. Chị Thắm cũng đã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành tặng Giấy khen đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Ở thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy), cũng có một nông dân được nhiều cấp biểu dương và Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì sự nỗ lực, mạnh dạn thay đổi tư duy, vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi; đồng thời đoàn kết giúp người dân trong thôn cùng làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đó là  ông Đỗ Văn Hoan.

Cũng với xuất phát điểm là gia đình khó khăn, gia đình ông Hoan cũng xoay xở với nhiều nghề, nhiều việc như:Trồng lúa, xay xát gạo, làm mộc, mở cửa hàng bán tạp hóa..., mong muốn cho cuộc sống được cải thiện. Nhưng làm mãi, cũng chỉ đủ trang trải và không có sự bứt phá. Do vậy, năm 2018, ông Hoan đã quyết định làm "liều", thuê 5ha đất của một số hộ dân cải tạo lại để làm trang trại tổng hợp.

 Sau hơn 2 năm cải tạo, hiện nay, trang trại hình thành 1 khu chuồng trại chăn nuôi lợn rộng hơn 1.500m2, với công suất 170 lợn thương phẩm/lứa và duy trì 30 lợn nái; diện tích cây ăn quả như: cam, ổi, mít, dừa nước... hơn 2 ha. Ngoài ra, với hệ thống mương dẫn bao quanh, gia đình ông thả thêm một số loại cá để tăng thu nhập; sản xuất phân vi sinh.

 "Hằng năm, gia đình xuất bán 3 lứa lợn tổng trọng lượng khoảng 40 - 45 tấn, 15 tấn quả các loại... tổng doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng từ 500-700 triệu đồng/năm", ông Hoan phấn khởi thông tin.

Sản xuất phân vi sinh, trồng trọt và kết hợp chăn nuôi đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Đỗ Văn Hoan, thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy)
Sản xuất phân vi sinh, trồng trọt và kết hợp chăn nuôi đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Đỗ Văn Hoan, thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy)

Từ sự 'liều" của ông Hoan, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, trở thành mô hình đi đầu trong phong trào phát triển nông nghiệp tại địa phương. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. 

" Điều đáng quý ở ông Hoan là, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hoan còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, giúp giống cho các hộ gia đình khác trong thôn. Gia đình ông luôn gương mẫu, trong phong trào hoạt động cộng đồng và xây dựng nông thôn mới ở địa phương", ông Cao Ngọc Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Tân, đánh giá.

Tương tự, từng là hộ cận nghèo của xã Tân Bình (Như Xuân), kinh tế của gia đình anh Lương Văn Thuận chủ yếu phụ thuộc vào đồi, rừng, nhưng hiệu quả không cao. Nhưng kể từ khi anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi cá lồng tại hồ Trại Cáo trên địa bàn, cuộc sống gia đình đã mở ra hướng mới. Chỉ  2 năm triển khai, đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Thuận thu về từ 200 đến 300 triệu đồng tiền lãi, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo và đang từng bước làm giàu.

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: giai đoạn 2015 - 2020, tại 11 huyện miền núi Thanh Hóa đã có 33.262 hội viên nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 29.960 người hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã; cấp huyện 2.905 người, cấp tỉnh 381 người, cấp Trung ương là 16 người.

“Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, sẽ còn xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc hơn nữa, với những cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả kinh tế cao, có sức lan tỏa, tạo động lực xóa đói giảm nghèo, nhất là với vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi”, bà Hương nói. 

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.