Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Niềm vui mới của đồng bào Co ở Nóc Ông Đến

T.Nhân-H.Trường - 16:05, 14/04/2025

Nóc Ông Đến là ngôi làng nhỏ giữa rừng thuộc xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nơi đây có 14 nóc nhà người Co, cuộc sống sống lầm lũi, không đường, không điện... Với sự quyết tâm đưa người dân xuống núi để ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã đầu tư, xây dựng một khu tái định cư ngay tại trung tâm xã rồi vận động bà con rời về nơi ở mới. Mặc dù về nơi ở mới có nhiều điều còn xa lạ, nhưng bà con rất vui vì tin tưởng về một tương lai mới tươi sáng hơn.

Con đường độc đạo vào làng Nóc Ông Đến trước đây
Con đường độc đạo vào làng Nóc Ông Đến trước đây

Quyết định dời làng

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Đây là vùng đất xa xôi, hẻo lánh cách trung tâm xã hơn 2 giờ đi bộ băng rừng, vượt suối, ngược dốc dựng đứng. Do điều kiện đi lại khó khăn Nóc Ông Đến như một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh. Người dân ở đây rất khó khăn, sống tự cung tự cấp, chủ yếu dựa vào trồng lúa, chăn nuôi heo, bò, gà, vịt...

Tuy cuộc sống thiếu thốn, nhưng người dân ở Nóc Ông Đến luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Ngoài canh tác lúa nước, phát triển chăn nuôi trâu, bò, người dân còn chịu khó vào rừng để khai thác các sản vật dưới tán rừng như rau, măng rừng, mật ong, mây, các loại dược liệu và xuống suối bắt ốc đá, cá… Cũng nhờ những sản vật từ rừng, mà dân làng mới có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học.

Tuy nhiên, ở ngôi làng này, những người trẻ với những đứa con nhỏ đang tuổi ăn học, luôn canh cánh niềm mong ước về một ngày mai tươi sáng hơn, con cái không phải lặn lội đường xa tìm con chữ; mỗi khi có người đau ốm, hay phụ nữ khi sinh đẻ không phải đối mặt với nguy hiểm vì cách xa trạm y tế...; người dân cũng muốn được dời làng đến nơi ở thuận tiện hơn. Nhưng lại lo lắng cuộc sống phía trước sẽ ra sao? 

Người dân ở Nóc Ông Đến sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi
Người dân ở Nóc Ông Đến sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi

Năm 2022, lãnh đạo huyện Trà Bồng đã có một cuộc tiếp xúc với người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời giải đáp những trăn trở của người dân. Và 100% người dân Nóc Ông Đến đồng ý rời làng. Lãnh đạo huyện cũng đã hứa với bà con, bằng tất cả sự quyết tâm và trách nhiệm từ huyện đến xã sẽ xây dựng khu tái định cư, bảo đảm mọi điều kiện sẽ tốt hơn nơi ở cũ.

Sau nhiều trăn trở và hướng đến mục tiêu đưa xã Trà Giang thành xã nông thôn mới, giúp bà con thoát nghèo, chính quyền huyện Trà Bồng đã quyết định thực hiện dự án tái định cư cho người dân Nóc Ông Đến. 

Đồng ý là vậy, nhưng phải rời bỏ mảnh đất đã gắn bó lâu đời là một việc không hề dễ dàng với người Co ở Nóc Ông Đến, nhất là những người lớn ttuổi thì gần như không muốn đi; nhưng sau khi nghe chính quyền địa phương thuyết phục, người dân đã nhận ra rời làng một việc tốt, có lợi cho cuộc sống và tương lai của con em nên họ đã đồng ý. 

Anh Hồ Văn Thắng, một trong những người tiên phong đồng ý chuyển về ở khu tái định cư chia sẻ: Mình sinh ra và lớn lên trên Nóc Ông Đến, thấu hiểu cái khó khăn trăm bề khi ở nơi xa xôi, hẻo lánh. Giờ có con cái, mỗi khi con đi học hay đau ốm là vất vả vô cùng. Vậy nên khi nghe huyện, xã có chủ trương tái định cư cho bà con, mình mừng lắm, đồng ý ngay.

Niềm vui ở làng mới

Khu tái định cư được xây dựng trên diện tích 2,4ha, với 14 ngôi nhà mới có tường xây, mái ngói đỏ, nền gạch men. Huyện Trà Bồng đã đầu tư hơn 12,9 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư này, với mục tiêu không chỉ tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân mà còn giúp tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là trong việc học hành của các cháu nhỏ.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng thăm hỏi, chúc mừng người dân ở Nóc Ông Đến chuyển về ở tại khu tái định cư gần trung tâm xã Trà Giang
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng thăm hỏi, chúc mừng người dân ở Nóc Ông Đến chuyển về ở tại khu tái định cư gần trung tâm xã Trà Giang

Những ngôi nhà mới đã được xây dựng với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà từ nguồn tài trợ của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, các hộ dân còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà cửa kiên cố hơn.

Theo Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng, người dân về sống ở khu tái định mới khang trang là thành quả của sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động cũng như chung tay tháo gỡ các vướng mắc để giúp người dân ổn định cuộc sống. 

“Huyện Trà Bồng đã có một chiến lược dài hơi để thực hiện dự án tái định cư. Các cán bộ địa phương đã nhiều lần băng rừng, vượt suối để đến gặp gỡ, thuyết phục người dân, nhất là các già làng. Cán bộ các cấp đã phân tích những lợi ích của việc tái định cư, giúp người dân nhận thức rằng, đây là một quyết định đúng đắn, góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Hơn nửa cuộc đời sống nơi thâm sơn cùng cốc, giờ đây 14 hộ dân bước vào một cuộc sống mới, với những ngôi nhà kiên cố ngay trung tâm xã nên ai cũng thấy vui. Anh Trần Văn Hoàng, một trong những gia đình đầu tiên dọn vào ở trong khu tái định cư, phấn khởi cho hay: Tôi mong có nhà lâu rồi. Khi nhà ở khu tái định cư xây xong, tôi dẫn vợ con về ở ngay. Gia đình tôi không chỉ mừng vì có một mái ấm mới mà còn vì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với ở Nóc Ông Đến, nhất là khi các con không còn phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường.

Những căn nhà cho đồng bào Co Nóc Ông Đến đã được xây dựng tại Khu tái định cư ngay ở trung tâm xã Trà Giang
Những căn nhà mới dành cho đồng bào Co ở Nóc Ông Đến đã được xây dựng tại Khu tái định cư ngay ở trung tâm xã Trà Giang

Cùng với anh Hoàng, nhiều hộ dân khác cũng đã chuyển về nhà mới, ai cũng vui mừng vì một tương lai mới đã mở ra trước mắt. Chị Hồ Thị Kính chia sẻ: Mình rất mừng vì được Nhà nước hỗ trợ cho một căn nhà ở khang trang, gần trung tâm xã. Càng mừng hơn là 3 đứa con của mình sẽ có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. “Bây giờ muốn xin vào các nhà máy, công ty làm công nhân cũng phải có bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, dù khổ đến mấy tôi cũng quyết không để con thiếu cái chữ", chị Kính tâm sự.

Bây giờ ở khu tái định cư, nhà cửa ai cũng khang trang, đèn điện sáng choang, trong bữa cơm chiều, tiếng cười nói rôm rả, bàn về những dự định trong tương lai. Ông Hồ Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang chia sẻ: Khu tái định cư này không chỉ là nơi an cư mà còn là nơi để các gia đình xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, hòa nhập vào nhịp sống chung của cộng đồng, xã hội. Đồng bào an cư rồi, chính quyền địa phương  sẽ từng bước hỗ trợ thêm về sinh kế để bà con ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Đánh thức Bằng Cả

Đánh thức Bằng Cả

Nằm giữa vùng rừng núi thuộc thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), xã vùng cao Bằng Cả - nơi có tới 97% dân số là đồng bào Dao sinh sống, từng là một địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng qua từng bước đi bền bỉ, với quyết tâm không lùi bước, Bằng Cả đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình "thay da đổi thịt" nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.