Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ninh Phước – Điểm sáng về thực hiện chính sách đặc thù phát triển vùng dân tộc Chăm ở Ninh Thuận

Lê Vũ - 18:25, 22/02/2021

Ninh Phước là huyện có đông đồng bào dân tộc Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân cùng nhiều chính sách đặc thù, đời sống vùng đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới thêm khởi sắc, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ninh Phước vinh dự là huyện nông thôn mới đầu tiên được công nhận của tỉnh Ninh Thuận
Ninh Phước vinh dự là huyện nông thôn mới đầu tiên được công nhận của tỉnh Ninh Thuận

Tập trung đầu tư tạo sinh kế

Đến với các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước vào những ngày đầu năm mới 2021, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi và phát triển vượt bậc của nơi đây. Cuộc sống của đồng bào ngày càng no ấm, thanh bình. Trên đồng ruộng nhộn nhịp không khí thu hoạch hoa màu chất lượng cao, đủ cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Các làng nghề truyền thống cũng rộn ràng hơn với các đơn hàng và cũng để đáp ứng nhu cầu cho du khách tham quan trong dịp xuân về.

Huyện Ninh Phước hiện có khoảng 11 nghìn hộ đồng bào Chăm, với hơn 53 nghìn nhân khẩu sinh sống tập trung ở 22 thôn, khu phố thuộc 7 xã, thị trấn; chiếm trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh. Đời sống đồng bào Chăm bao đời nay, dựa vào nguồn thu nhập từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực như nho táo, măng tây xanh, kết hợp chăn nuôi gia súc… nên còn nhiều khó khăn. 

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020, bằng nguồn vốn Trung ương, tỉnh và địa phương, UBND huyện Ninh Phước đã đầu tư hỗ trợ nhiều chương trình, dự án tại các vùng đồng bào Chăm sinh sống.

Nhà sinh hoạt công đồng Chăm tại thôn Bàu Trúc
Nhà sinh hoạt công đồng Chăm tại thôn Bàu Trúc

Về hệ thống thủy lợi, trên địa bàn huyện Ninh Phước đã đầu tư xây dựng các công trình như: Sông Biêu, Bàu Zôn, Tà Ranh, Lanh Ra; hệ thống kênh Tiêu, Hóc Rọ, bờ sông Lu 1, 2, với chiều dài gần 5.000 m; kiên cố kênh mương cấp II, III, với chiều dài 68 km... phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Đến nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào Chăm canh tác đã được mở rộng, bà con đã biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng hiệu quả nhiều mô hình mới vào sản xuất, tạo động lực đưa sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển vượt bậc.

Bên cạnh đó, các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đạt năng suất trên 7 tấn/ha/vụ, tăng thêm lợi nhuận 3,7 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái với diện tích 190 ha, tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu) với diện tích 40 ha, lợi nhuận tăng thêm 7,2 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Đồng bào Chăm xã An Hải trồng mới 50 ha măng tây xanh được cấp chứng nhận VietGAP cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. 

Đặc biệt, trong đó phải kể đến mô hình cánh đồng lớn được thực hiện thí điểm tại vùng đồng bào Chăm xã Phước Hậu từ 56 ha lúa vụ hè - thu năm 2017 đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến cuối năm 2019, toàn huyện nhân rộng mô hình này với 15 cánh đồng lớn, diện tích 2.348 ha, bao gồm 12 cánh đồng lúa với diện tích 2.213ha; 2 cánh đồng măng tây xanh, với diện tích 55 ha và 1 cánh đồng bắp với diện tích 80 ha…

Các nghệ nhân đang làm gốm tại làng gốm Bàu Trúc, làng nghề thủ công nổi tiếng của đồng bào Chăm tại Ninh Phước
Các nghệ nhân đang làm gốm tại làng gốm Bàu Trúc, làng nghề thủ công nổi tiếng của đồng bào Chăm tại Ninh Phước

Khôi phục làng nghề, khai thác giá trị văn hóa dân tộc

Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, các chính sách dân tộc tại huyện Ninh Phước cũng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng được mở rộng; các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao hằng năm; nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Chăm được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy. 

Các ngành nghề truyền thống của đồng bào Chăm được Nhà nước quan tâm đầu tư, khôi phục và phát triển như làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ… Các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch trong và ngoài tỉnh đã quan tâm, gắn kết với tham quan làng nghề…,qua đó từng bước quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến với du khách, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, từ đó bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm tại Ninh Phước theo hướng bền vững.

Với tất cả sự nỗ lực và kết quả đạt được, vào tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đây là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được công nhận, là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ninh Phước. 

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.