Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ninh Thuận đa dạng các loại hình du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5

PV - 14:01, 27/04/2023

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ du khách nhân dịp Lễ 30/4 và 1/5 dự báo sẽ tăng cao, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai các giải pháp, chủ động tổ chức nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu vui chơi lành mạnh, an toàn cho du khách.

Trải nghiệm thật thú vị tại Ninh Thuận – nơi mọi người hay gọi là vùng đất của nắng, gió và những bụi gai xương rồng
Trải nghiệm thật thú vị tại Ninh Thuận - nơi được gọi là vùng đất của nắng, gió và những bụi gai xương rồng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Sở đã triển khai đến Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn chủ động tổ chức tốt nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; đầu tư, làm mới nhiều điểm tham quan đưa vào khai thác trong dịp này, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh; xây dựng các Tour tham quan, điểm đến phục vụ du khách tốt nhất.

Đại diện Khu du lịch sinh thái Natural Paradise Ninh Thuận (tọa lạc tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) cho biết, Natural Paradise Ninh Thuận là sự đan xen giữa văn hóa hiện đại và nét cổ kính của văn hóa Chăm. Đây là điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Khu du lịch sinh thái này. Nơi đây chính thức mở cửa đón khách từ ngày 22/4 và miễn phí vé vào cửa trong 3 ngày (từ ngày 22 - 24/4); bán vé cho du khách tham quan từ ngày 25/4.

Theo báo cáo của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí và các chương trình khuyến mãi trong dịp lễ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ sẽ được khai thác phong phú và đa dạng. Đến thời điểm hiện tại, lượng khách du lịch đăng ký đến tham quan và nghỉ dưỡng trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 khu vực ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Cà Ná đạt công suất phòng từ 60 - 100%; các cơ sở lưu trú khác công suất phòng đạt từ 40 - 60%. Đối tượng chủ yếu là khách công ty, khách lẻ gia đình đến từ các tỉnh, thành phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng.

Ninh Thuận hiện có 205 cơ sở lưu trú du lịch với 4.529 phòng, trên 50% cơ sở lưu trú đạt từ 3 sao trở lên. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ luôn có thái độ thân thiện với du khách. Nhiều loại hình dịch vụ mới được đầu tư, nâng cấp; cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm, các Tour tham quan trải nghiệm văn hóa Chăm, vườn nho và các sản phẩm từ nho được xây dựng và đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách. Công tác bảo đảm an toàn cho du khách thường xuyên được tăng cường, tạo sự an tâm và hài lòng của khách du lịch.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của các cơ sở lưu trú; ban hành quyết định thành lập tổ thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Qua đó nhằm rà soát, thống kê cơ sở lưu trú du lịch, thẩm định hồ sơ công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú thuộc thẩm quyền quản lý của Sở.

Để du lịch Ninh Thuận phát triển toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang triển khai các giải pháp để du lịch địa phương trở nên chuyên nghiệp hơn; đồng thời, thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch một cách đồng bộ, hiện đại. Qua đó, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu và đón đầu xu thế du lịch trong giai đoạn mới.

Tỉnh đang tích cực chuẩn bị tổ chức lễ hội Nho và Vang 2023; đồng thời đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Năm 2023, Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 2,7 triệu lượt khách.

Tin cùng chuyên mục
Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu trong ký ức của biết bao trẻ em miền Bắc… Thế nhưng, ngày hôm nay trên chính “quê hương” của món đồ chơi giản dị ấy, tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Hưởng còn tiếp nối và duy trì nghề làm trống.