Ông Lưnh, Trưởng thôn làng Đê Kôn cho biết: “Làng Đê Kôn nằm xa trung tâm xã Hà Ra. Làng hiện có 54 hộ, 238 khẩu, 100% người Ba Na. Cuộc sống của người dân tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thấu hiểu được cái đói, cái nghèo nên họ vẫn muốn cho con đến trường để học cái chữ”.
Điểm trường Tiểu học Hà Ra số 2 cách điểm trường chính chỉ 10km. Tuy nhiên, trước khi xuất phát, các thầy, cô giáo đã đề nghị “được chở” chúng tôi, vì địa hình vô cùng phức tạp, hiểm trở.
Di chuyển được khoảng 5km thì xe bắt đầu leo dốc. Con đường phía trước bùn lầy nhão nhoẹt, trơn trượt, dốc cao hun hút, khuất tầm nhìn, nếu không phải là người bản địa có lẽ sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Không ít lần, chúng tôi phải xuống đẩy xe vì đường trơn và dốc cao.
Vừa đẩy xe lên con dốc cao, cô Hà Thị Linh, giáo viên điểm trường làng Đê Kôn cho biết: Lớp học một buổi, nên các giáo viên thường sáng đi chiều về. Để cho kịp giờ lên lớp, chúng tôi thường phải dậy từ 5h sáng. Những ngày trời mưa, giáo viên phải gọi điện nhờ Trưởng thôn thông báo cho các em đến trường muộn hơn, vì giáo viên sẽ mất nhiều thời gian di chuyển. Nếu lớp thiếu học sinh, giáo viên sẽ đến từng nhà chở các em đến trường, đủ học sinh mới bắt đầu dạy học.
Điểm trường làng Đê Kôn có 2 lớp ghép với 28 em theo học, do cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (49 tuổi) chủ nhiệm. Trước kia, giáo viên chủ nhiệm chủ yếu là các thầy. Nhưng năm học 2018 vừa qua, người dân làng mong muốn được thêm giáo viên nữ lên dạy học. Vì vậy, 2 giáo viên đứng lớp hiện nay đều mới nhận công tác đầu năm học vừa qua.
Vượt qua quãng đường gian nan, xe chúng tôi cũng di chuyển được tới điểm trường. Cô Lê Thị Diệu cho biết: “Học sinh ở điểm trường này ngoan lắm. Nhìn mấy đứa mà thương, nên mình dốc toàn bộ tâm huyết không chỉ trên vai trò trồng người, mà tôi muốn các em xem mình như người mẹ thứ hai”.
Thầy Nguyễn Huy Ba, giáo viên hơn 10 năm đứng lớp ở điểm trường Đê Kôn kể lại: “Những năm đầu nhận công tác tại điểm trường, vì đường sá xa xôi nên buộc phải ở lại điểm trường. Thấy những khó khăn của thầy giáo bám làng, người dân lúc bấy giờ có gạo góp gạo, có rau góp rau, có miếng thịt rừng góp miếng thịt để nuôi thầy giáo. Lúc đấy mình thấy như một người con của làng. Đến bây giờ về điểm trường mới, tôi vẫn trân quý cái tình của người Ba Na ở làng Đê Kôn”.
Tiếp câu chuyện của thầy Ba, cô Diệu bộc bạch: Mỗi lần đến chở học sinh đến lớp, bà con vẫn hỏi cô giáo đã ăn cơm chưa, mình nói chưa, là bà con liền gửi cho nắm cơm. Con trẻ thì thích đến trường học cái chữ, ngoan ngoãn. Cha mẹ học sinh thì luôn quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên, cũng như động viên các em chăm chỉ đi học. Đây cũng chính là động lực để các thầy cô giáo gắn bó với người dân và nỗ lực để dạy chữ cho học sinh.