Theo khảo sát của xã Thanh Tương, từ năm 2021 đến tháng 3/2023, trên địa bàn xã không có nạn tảo hôn như tại Nà Coóc, toàn thôn có 62 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Tày, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Anh Nông Văn Sông, Bí thư chi bộ thôn cho biết trước đây, tình trạng tảo hôn trong thôn diễn biến khá phức tạp. Tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Đã có không ít cô gái phải làm vợ và làm mẹ ở tuổi vị thành niên bị lâm vào những bi kịch về tinh thần, vật chất trong cuộc sống...
Trước tình trạng này, Chi bộ và các đoàn thể thôn Nà Coóc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nhân dân về luật hôn nhân và gia đình. Triển khai trong các cuộc họp thôn, thậm chí đi từng ngõ gõ từng nhà, vừa tuyên truyền vận động, vừa hỏi han để nắm bắt thực tế, nhằm ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra, thời điểm hiện tại thì tình trạng tảo hôn đã hạn chế hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây.
Có thể thấy rằng, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng bào các dân tộc ở Thanh Tương vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn, đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công tác kế hoạch hóa gia đình ở địa phương.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn trong con em đồng bào DTTS ở nơi đây, như trình độ dân trí thấp, các em thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, về cuộc sống hôn nhân gia đình, nhiều trường hợp có chồng, có vợ sớm vì chỉ muốn có thêm người lao động trong gia đình. Những đôi vợ chồng đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì họ không nghề nghiệp, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Mặt khác, do ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào các DTTS còn hạn chế, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, không đủ chi phí cho con đến trường dẫn đến tình trạng bỏ học, thất học hoặc học xong không tìm được việc làm, không làm đúng nghề đã tạo tâm lý trong một bộ phận thanh, thiếu niên không thích đi học, bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm.
Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tương cho biết, trước thực trạng đó, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các DTTS xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu, nhất là phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trong giai đoạn 2021-2025, xã đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các cuộc họp, tuyên truyền cho cán bộ công chức, viên chức nhân dân lao động được 34 cuộc với 2.235 lượt người nghe, đồng thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, người có uy tín tại các thôn bản thường xuyên tuyên truyền đến các hội viên và nhân dân để nâng cao về nhận thức và hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền và các đoàn thể xã còn chủ động xây dựng quy ước, hương ước chung của thôn bản, như quy định về không tảo hôn, kết hôn sớm; phát huy hiệu quả các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các thôn bản trên địa bàn.
Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tương nhận định, tảo hôn là vấn nạn tồn tại từ lâu trong một bộ phận đồng bào DTTS, không dễ xóa bỏ một sớm một chiều. Để giảm thiểu tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với nhiều giải pháp, công cụ tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân. Thời gian tới, xã Thanh Tương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về tảo hôn cho học sinh, coi giáo dục thay đổi nhận thức là mấu chốt trong việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở xã vùng cao này.